Đợt bùng nổ giá lần này bắt đầu từ năm 2004-05. Theo dõi sát sao diễn biến thị trường dầu thực vật thế giới, ông Dorab Mistry, giám đốc công ty kinh thương mại Godrej International ở London dự báo giá dầu cọ sẽ còn tăng trong trung và dài hạn. Trong lịch sử, những đợt bùng nổ giá như vậy thường kéo dài 12 đến 15 năm, cho đến khi nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.
               Giá dầu cọ thô (CPO) tham khảo kỳ hạn 3 tháng tại sở giao dịch hàng hoá Malaysia lần đầu tiên đã tăng vượt 3.000 Ringgit (MYR)/tấn vào tháng 11 năm ngoái, và sau đó liên tục tăng để lập kỷ lục lịch sử 4.486 MYR/tấn vào ngày 4/3. Từ đầu năm tới nay, mặt hàng này chưa bao giờ ở mức giá dưới 3.000 MYR/tấn. Hiện giá đang ở mức 3.558 MYR/tấn.
               Theo ông Mistry, trong 5 năm tới, thị trường dầu thực vật thế giới cần có thêm 25-30 triệu tấn, tức là mỗi năm cần thêm khoảng 5 đến 6 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu tăng. Vậy mà triển vọng sản lượng hạt có dầu sẽ không tăng nhiều đến vậy. Do đó, dầu cọ trở thành niềm hy vọng lớn nhất nhờ diện tích trồng cọ dầu tăng lên. Trong khi đó, sản lượng dầu cọ chỉ có thể tăng thêm 2-3 triệu tấn mỗi năm nên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tăng nhanh như vậy. Theo ông Mistry, cả nhu cầu dầu ăn và nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ phụ thuộc chủ yếu vào dầu cọ. Khả năng tăng diện tích trồng đậu tương ở Mỹ là không nhiều, bởi diện tích trồng loại cây nào ở đây sẽ phụ thuộc vào mức giá sản phẩm của loại cây ấy.
               Hàng năm, diện tích trồng cọ dầu được tăng thêm khoảng 500.000 hécta, song tốc độ tăng trong 10 năm tới sẽ không còn cao như vậy. Malaysia sẽ không còn đất để mở rộng diện tích trồng cọ dầu hơn nữa. Hiện Malaysia chỉ có thể mở thêm một ít diện tích ở tỉnh miền đông Sarawak. Triển vọng tăng sản lượng ở Indonexia vẫn rất khả quan bởi nước này còn nhiều đất chưa khai thác.
               Sản lượng dầu cọ Indonexia năm 2008 dự báo sẽ đạt 16,7 triệu tấn, tăng so với 16 triệu tấn năm trước, trong khi sản lượng của Malaysia vững ở mức của năm trước. Tuy nhiên, do công suất sản xuất nhiên liệu sinh học ở Đông Nam Á tăng lên sẽ cần nhiều nguyên liệu dầu cọ hơn, tạo ra một triển vọng không chắc chắn về nguồn cung dầu cọ xuất khẩu của Malaysia và Indonexia – 2 nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Công ty Sarawak Plantation Bhd của Malaysia dự báo giá bán dầu cọ thô trung bình năm nay sẽ tăng khoảng 40% so với năm ngoái. Công ty này dự báo trung bình cả năm nay, giá dầu cọ sẽ vào khoảng 3.500 Ringgit/tấn, so với 2.600 USD/tấn năm ngoái. Công ty Sarawak Plantation đã bán dầu cọ thô với giá trung bình 3.033 Ringgit/tấn trong quý I/2008. Với những hợp đồng kỳ hạn giao quý II năm nay, công ty này đã bán với giá trung bình 3.450 Ringgit/tấn. Công ty này dự báo giá dầu cọ bán ra trong nửa cuối năm nay sẽ tăng lên 3.800 Ringgit/tấn.
Do nguồn cung trong nước khan hiếm, Trung Quốc đang phải tăng cường nhập khẩu dầu cọ bởi giá loại dầu này rẻ hơn nhiều so với dầu đậu tương và dầu hạt cải. Dự báo nhập khẩu loại dầu này năm nay sẽ tăng ở mức 2 con số. Ấn Độ cũng đã giảm thuế nhập khẩu dầu cọ với mục tiêu gia tăng nhập khẩu, kìm hãm tốc độ tăng giá trên thị trường nội địa.

Nguồn: Vinanet