Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng thương mại tăng nguồn vốn huy động về số dư tiền gửi. Tạo điều kiện mở rộng cho vay tiêu dùng bằng thẻ tín dụng.
Nhìn lại thời  gian qua, có một thực tế cho thấy trên địa bàn hoạt động thanh toán của các ngân hàng chuyển biến khá nhanh. Nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích ra đời, đã bước đầu  đáp ứng được nhu cầu của người thanh toán. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa tập trung cao cho việc đầu tư xây dựng máy ATM. Mặt khác các trang thiết bị phục vụ cho thanh toán chỉ tập trung ở thành phố Thanh Hóa và ở những khu vực kinh tế phát triển, còn ở  các huyện, nhất là khu vực miền núi rất khó khăn trong việc sử dụng thẻ ATM. Đến hết tháng 8, toàn tỉnh mới chỉ có 38 máy ATM (trong đó thành phố Thanh Hóa có 29 máy), số lượng thẻ đã phát hành gần 83.000 thẻ, trong đó, thẻ Values và thẻ sinh viên liên kết 8.149, thẻ Master 89, còn lại là thẻ ATM. Ngoài ra, các ngân hàng tập trung tuyên truyền, khuyến khích khách hàng thanh toán qua thẻ, mở tài khoản cá nhân. Mở dịch vụ bảo lãnh cá nhân trong nước nhằm cung cấp cho khách hàng (bên được bảo lãnh) một loại hình dịch vụ bảo lãnh chuyên nghiệp theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh trong các giao dịch kinh tế – thương mại của khách hàng. Đáp ứng các nhu cầu của khách hàng như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn tạm ứng... Mặc dù vậy, vấn đề đặt ra là hệ thống các ngân hàng thương mại chưa thống nhất, nên các máy ATM còn độc lập, dẫn đến khó khăn cho khách hàng khi dùng thẻ của ngân hàng này không thực hiện giao dịch được tại máy ATM của ngân hàng khác. Khách hàng thực hiện giao dịch phải chờ đợi lâu, thậm chí nhiều lúc máy trục trặc, không rút được tiền. Ngoài ra, do thói quen sử dụng tiền mặt và nhận thức của người dân nên việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng thiếu hấp dẫn. Hệ thống hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán chưa hoàn thiện và đồng bộ. Số lượng máy ATM hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.
Để góp phần làm giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông, theo chúng tôi đã đến lúc các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cần phải có sự nỗ lực cao hơn, trước hết tập trung cao cho công tác tuyên truyền về chủ trương, lợi ích, tiện dụng của việc thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và mở tài khoản cá nhân nói riêng. Qua đó để các tổ chức, cá nhân nắm bắt được các tiện ích, hiểu rõ về các rủi ro, biện pháp bảo đảm an toàn trong việc sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Phát triển mạnh dịch vụ thẻ ATM để góp phần chi trả lương qua tài khoản. Vận dụng các biện pháp khuyến khích lợi ích kinh tế cho khách hàng mở tài khoản cá nhân. Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ để tránh sai sót lỗi và mất tiền của khách hàng. Cần bảo đảm an ninh khu vực đặt máy ATM để chống cướp giật. Các ngân hàng nối mạng các máy ATM với nhau để bảo đảm tiện lợi cho khách hàng trong quá trình giao dịch. Cùng với việc trả lương qua tài khoản, ngân hàng cần sớm phối hợp với các ngành Bưu điện, Điện lực... để khách hàng có thể dùng thẻ trả tiền khi sử dụng các dịch vụ này qua ngân hàng. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh toán, cán bộ kỹ thuật công nghệ thông tin. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt về các địa phương, các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp. Tổ chức liên kết phát hành và thanh toán thẻ giữa các ngân hàng nhằm mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ tiện ích này.
(TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet