Chương trình giám sát nói trên theo lịch trình sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, tuy nhiên bên cơ quan lập pháp muốn tiếp tục áp dụng thêm 1 năm nữa.
Bốn hiệp hội thương mại có các thành viên nhập khẩu phần lớn hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ đã viết thư cho lãnh đạo Ủy ban Phân bổ ngân sách nói trên để bày tỏ “sự phản đối rất mạnh mẽ” của họ đối với ngôn ngữ nêu trong một báo cáo nhằm giải quyết việc phân bổ ngân sách cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) để cơ quan này kêu gọi tiếp tục Chương trình giám sát của họ đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và mở rộng Chương trình này cho cả Trung Quốc.
Báo cáo có tính định hướng của cơ quan Quản lý Thương mại Hoa Kỳ (ITA) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực hiện việc giám sát nhập khẩu hàng may mặc, bao gồm cả tất, tập trung vào giá nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam và xem xét liệu các ngành công nghiệp thuộc quốc doanh của các nước này có được định giá bất hợp pháp và bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ hay không.
Các hiệp hội các nhà nhập khẩu khẳng định đây là điều sai lầm và làm tổn hại đến nền kinh tế Hoa Kỳ nếu Quốc hội lựa chọn hàng may mặc sản xuất tại Việt Nam hoặc Trung Quốc.
Mặt khác, bức thư nói rõ “Chúng tôi lo ngại rằng điều này được dự định chủ yếu làm suy yếu và quản lý vi mô nền thương mại bằng cách khuyến khích phong trào dịch chuyển sang các nguồn hàng tại các quốc gia khác mà không đem lại lợi ích rõ ràng cho nước Mỹ.”
Các nhà nhập khẩu khẳng định rằng không có cơ sở để tiến hành việc giám sát và phân tích giá cả nhằm vào các sản phẩm may mặc chọn lọc từ một vài quốc gia mà không phải cho toàn bộ các hàng nhập khẩu.
Bức thư chỉ ra rằng trong suốt 18 tháng khi hàng nhập khẩu Việt Nam bị giám sát, đã không có bằng chứng về bán phá giá và không có một công ty may mặc đơn lẻ nào khiếu nại bị thiệt hại do hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Bức thư cũng khẳng định Chương trình giám sát này được khởi động nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà lập pháp tại các bang chuyên về dệt may và đây là nỗ lực để làm phá hỏng Luật Chống bán phá giá vốn đòi hỏi bên nguyên đơn phải có vị thế khởi kiện bằng việc đưa ra các điều tra thực tế mà không cần khởi sự điều tra chính thức.
Bức thư nêu rõ là cả hai lần xem xét lại, chính quyền Bush đã không tìm thấy bằng chứng về bán phá giá, và Chương trình này lẽ ra không nên tiến hành ngay từ đầu.
Bức thư kết luận, “Chương trình giám sát hàng Việt Nam một mặt đã làm tăng thêm chi phí cho các công ty Hoa Kỳ do buộc họ xem xét lại các kế hoạch tạo nguồn cung cấp hàng và chuyển hướng đặt hàng sang các nguồn cung ứng khác, Chương trình này đã không đem lại thậm chí chỉ một đơn hàng hay 1 công việc nào cho nước Mỹ”. Bức thư có các chữ ký của các quan chức thuộc Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), Hiệp hội các Lãnh đạo ngành Bán lẻ (RILA) và Hiệp hội các nhà Nhập khẩu hàng Dệt May Hoa Kỳ.

Nguồn: Vinanet