Đối với số thu ngân sách, các mức thuế suất phổ biến là từ 0% đến 30%, chiếm khoảng 91% tổng số dòng thuế, trong đó các mức thuế có nhiều dòng thuế được giữ làm mức thuế đại diện để gộp thuế suất nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến số thu.

Sang năm 2010, dự kiến sẽ cắt giảm thuế tiếp đối với gần 2.000 dòng thuế, bao gồm các mặt hàng: thuỷ hải sản, hoa quả, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, thuốc lá xì gà, gi măng, sơn vật liệu xây dựng, săm lốp, các sản phẩm giấy, một số sản phẩm điện, điện tử…. với mức giảm thêm từ 1% đến 6% tuỳ theo mặt hàng. Ngoài ra, theo lộ trình cam kết có một số mặt hàng đến năm 2009 hoặc 2008 là mức cam kết cuối cùng sau một thời gian gia nhập (RBF-Final Bound Rate), do đó, trong năm 2010, mức giảm thu sẽ thấp hơn mức dự kiến của năm 2009 (con số này tính trên kim ngạch của năm 2009), ngoài ra, một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá (lương thực thực phẩm, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, sắt, thép) đã được đưa vào cắt giảm ngay từ năm 2006, 2007 và giảm mạnh hơn lộ trình rất nhiều. Vì vậy, số giảm thu do thực hiện cắt giảm thuế theo WTO và gộp dòng năm 2010 khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên dự kiến trong năm 2010 kim ngạch XNK tiếp tục tăng do kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam đã được phục hồi sẽ bù đắp số giảm thu do việc cắt giảm thuế này.

Trong số các nhóm hàng giảm theo cam kết và gộp thuế thì các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là xăng dầu, ôtô, xe máy, linh kiện và máy móc trang thiết bị, sắt thép thì các mức thuế dự kiến cho các nhóm này đều là mức trần WTO(trừ xăng dầu). Riêng máy móc trang thiết bị thì ngoài mức thuế MFN, các doanh nghiệp đa phần NK từ các thị trường ASEAN hoặc Trung Quốc đối với hàng tiêu dùng hoặc NK từ ngoài thị trường này đối với các máy móc công nghiệp nên đều có mức thuế ưu đãi rất thấp (0-5%), do đó việc cắt giảm các nhóm này không ảnh hưởng đến số thu.

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam