Thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, kinh tế thế giới dự kiến sẽ hồi phục trở lại vào năm 2010, với các nền kinh tế Châu Á tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.

Sản xuất trên toàn cầu dự báo sẽ tăng 3,1% trong năm 2010, chủ yếu nhờ sự góp sức của các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi các ngành sản xuất trong tháng 10/2009 đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 18 tháng, và xu hướng đó vẫn tiếp tục duy trì trong 2 tháng cuối năm.

Giám đốc điều hành của IMF, Dominique Strauss-Kahn, nhận định mặc dù bão tố đã qua, giai đoạn tồi tệ nhất đã lùi vào dĩ vãng, song kinh tế thế giới sẽ còn khó khăn thêm một thời gian nữa, bởi nó đang ở trong tình trạng rất mong manh.

Liên Hiệp Quốc (U.N) cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2010, và cũng cảnh báo rằng sự hồi phục sẽ rất mong manh. Các gói tài chính khổng lồ mà các chính phủ tung ra trên quy mô toàn cầu đang phát huy tác dụng. Tiêu thụ tăng lên, đầu tư tư nhân cũng tăng lên, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới cũng tăng.

U.N dự báo sản lượng công nghiệp năm 2010 sẽ tăng, các thị trường cổ phiếu sẽ hồi phục, và thương mại quốc tế sẽ tăng trên toàn cầu. Những điều này rất có ý nghĩa sau khi mậu dịch thế giới, sản lượng công nghiệp, giá trị tài sản và cung tín dụng trên toàn cầu đều suy giảm, đẩy thế giới vào một cuộc Đại Suy thoái mới vào đầu năm 2009.

Về phía mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã điều chỉnh tăng gấp đôi mức dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2010 của 30 nước thành viên – bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh – lên 1,9%, so với mức 0,7% dự báo hồi tháng 6/2009.

Tuy nhiên, sự hồi phục vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu hướng thất nghiệp tăng. Theo OECD, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro trước năm 2011 chưa thể giảm khỏi mức 10,8%. Ngân sách của các chính phủ chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, và nợ ròng của hầu hết các nước OECD có thể sẽ vẫn cao hơn so với GDP của họ  ngay cả vào thời điểm 2011. Việc giảm chi tiêu hay tăng thuế cũng không thể được áp dụng bởi nó sẽ làm giảm tốc độ hồi phục.

Theo IMF, phần lớn tăng trưởng toàn cầu năm 1010 sẽ phụ thuộc vào Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi sẽ đạt mức tăng trưởng 9% và 6,4%. Các gói kích thích kinh tế của khu vực đang làm tăng nhu cầu nội địa. Tại Nhật Bản, nơi đang trong tình trạng giảm phát trầm trọng, hoạt động kinh tế ước tính giảm 5,4% trong năm 2009, mặc dù đã có những khoản kích thích kinh tế lớn, và phải đến năm 2010 kinh tế mới hồi phục khoảng 1,7%, chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng nhẹ.

Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tới vào năm 2010. Tiêu dùng ở Mỹ vẫn còn yếu, song thị trường nhà đất đang hồi sinh, lạm phát thấp và giá chứng khoán sẽ tăng hơn nữa. Việc tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm trong tháng 11 đã làm dấy lên hy vọng về sự hồi phục kinh tế vững vàng vào đầu năm 2010. Ngoài kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 11 đã giảm xuống 10%, so với mức cao kỷ lục của 26 năm là 10,2% của tháng 10.

Sau 4 quý liên tục sụt giảm, kinh tế Mỹ đã trở lại tăng trưởng vào quý tháng 7 – 9/2009, dù mức tăng trưởng chỉ khiêm tốn ở 2,8%. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2010, tăng mạnh so với mức 0,9% dự báo hồi tháng 6/2009. Đó là thành quả của những biện pháp kích thích kinh tế, các điều kiện tài chính được cải thiện, nhu cầu mạnh từ những nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Châu Á - nhất là Trung Quốc, và sự ổn định trở lại của thị trường nhà đất.

Sau khi kinh tế hồi phục vững vàng, chính phủ Mỹ sẽ chuyển hướng chiến lược sang giảm dần khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ. Thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2009 lên tới 10% GDP, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Để ổn định tình hình, Mỹ cần phải giảm thâm hụt xuống 3% GDP trong trung hạn.

Để duy trì sự hồi phục kinh tế kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, gần 0% trong suốt một năm qua, và khả năng sẽ còn tiếp tục duy trì thêm một thời gian nữa. Làm như vậy, FED hy vọng toàn bộ người Mỹ và giới doanh nhân Mỹ sẽ đẩy tăng chi tiêu, góp phần làm hồi phục nền kinh tế nước nhà.

Những dự báo kinh tế khác cho năm 2010:

* Ở Trung Đông, giá dầu mỏ giảm và đầu tư nước ngoài giảm đã ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, việc các điều kiện tài chính toàn cầu được cải thiện gần đây và giá hàng hoá tăng đang góp phần đưa khu vực này trở laị quỹ đạo tăng trưởng. IMF ước tính tăng trưởng GDP ròng của khu vực đạt 2% trong năm 2009 và 4,2% trong năm 2010.

Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ - cung cấp khoảng 35% tổng cung dầu thế giới – đã giảm sản lượng dầu thô do suy thoái toàn cầu làm giảm  nhu cầu. Song những dấu hiệu hồi phục kinh tế đang đẩy giá dầu tăng. Sau khi lập kỷ lục cao 147 USD/thùng vào tháng 7/2008, giá dầu thô đã giảm xuống chỉ 32 USD/thùng vào tháng 12/2008, và hiện đang ở quanh mức khoảng 70 – 80 USD/thùng sau khi trở lại mức cao kỷ lục của năm 2009 là 82 USD/thùng vào tháng 10/2009.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2010 sẽ tăng nhanh hơn chút ít so với năm 2009, nhờ các hoạt động kinh tế sôi động trở lại ở Châu Á và Trung Đông.

IEA dự báo nhu cầu dầu thô thế giới năm 2010 sẽ đạt 86,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,7% so với năm 2009.

* Khu vực đồng Euro gồm 16 thành viên đã thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ Hai vào quý III/2009 với xuất khẩu từ Đức và Pháp tăng mạnh bù lại cho việc các gia đình Eurozone vẫn lưỡng lự chưa tăng chi tiêu.

Jonathan Loynes, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Âu của Capital Economics nhận định: “Ít nhất thì khu vực cũng đã thoát khỏi suy thoái, và đang duy trì tăng trưởng suốt 3 tháng nay, và dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm 2010. Tuy nhiên, vẫn cần thúc đẩy hơn nữa nhu cầu nội địa để làm cho tốc độ hồi phục được mạnh lên”.

Kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm 2010, nhờ xuất khẩu mạnh. Ngân hàng trung ương Đức, Bundesbank, ước tính kinh tế quốc gia giảm 4,9% trong năm 2009 trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2010.

* Mỹ Latinh, dẫn đầu là Brazil và Mêhicô, dự báo sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2010 sau khi suy thoái trong năm 2009, nhờ nhu cầu xuất khẩu hồi phục và giá nhiều hàng hoá tăng như dầu mỏ và đồng - những tài nguyên của khu vực này. Các quan chức kinh tế khu vực dự báo Brazil sẽ tăng trưởng 5% trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng và xuất khẩu cũng có dấu hiệu tăng. Mêhicô sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2010 sau khi giảm 7,2% trong năm 2009. Chilê sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2010 sau khi giảm 1% trong năm 2009.

Nguồn: Vinanet