Ăn nên làm ra
Lidl là một hệ thống siêu thị bán lẻ, trước đây chỉ nhắm kinh doanh tại các khu vực ngoại ô có nhiều người nghèo sinh sống. Hiện nay, khi giá cả các loại thực phẩm tăng cao, người tiêu dùng phải cân nhắc hơn khi mua sắm, Lidl đang tự tin tiến vào nội ô các thành phố lớn.
Các hệ thống siêu thị giảm giá Lidl và Aldi, đều của Đức, đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường châu Âu trong thời “bão giá”. Giá của các hệ thống này rẻ hơn 30-50% so với các siêu thị bình thường khác. Aldi và Lidl đang thống trị thị trường bán hàng giảm giá với doanh thu hàng năm dự kiến đạt lần lượt là 43 tỉ euro (64 tỉ đô-la Mỹ) và 35 tỉ euro, so với mức 102 tỉ euro của Carrefour, hệ thống siêu thị bán lẻ lớn thứ hai thế giới.
Vị trí đặt quảng cáoTheo công ty nghiên cứu TNS, ở Pháp, các siêu thị giảm giá đã tăng thị phần từ 10,5% vào năm ngoái lên 11,2% trong quí 2 năm nay, trong khi thị phần của Carrefour đang sụt giảm. Tại Bỉ, công ty bán giảm giá nội địa Colruyt cũng đang giành giật thị phần với Carrefour và các hệ thống bán lẻ khác. Cũng theo TNS, tình hình đang diễn ra tương tự tại Hà Lan.
Còn ở Anh quốc, Lidl và Aldi sau nhiều năm “vùng vẫy” nay đang trở thành những nhà cung ứng tạp phẩm phát triển nhanh nhất. Ở Đức, theo công ty tư vấn Planet Retail, các công ty giảm giá đang chiếm tới 30% thị phần.
Tình hình này lan rộng khắp châu Âu đến độ nhà tư vấn về công nghệ thực phẩm James Amoroso đưa ra nhận định là đang xảy ra cuộc chiến tranh về giá trong lĩnh vực thực phẩm trên quy mô toàn cầu, xuất phát từ thành quả của những công ty bán giảm giá như Lidl hay Aldi. Thậm chí, nhà phân tích Philippe Suchet, làm việc cho Exane BNP Paribas ở Paris, đã phải thốt lên: “Đó là mô hình kinh doanh bán lẻ tốt nhất trên thế giới”.
Trong thực tế, để đối phó, các đại công ty bán lẻ phải thay đổi các quyết sách về giá. Tesco, tập đoàn bán lẻ lớn thứ tư thế giới, đang dốc toàn lực trong cuộc chiến về giá với Lidl tại Ireland. Công ty Delhaize (Bỉ) vừa buộc phải giảm giá. “Đại gia” Carrefour cũng đứng trước áp lực giảm giá.
Chớp đúng thời cơ
Vậy thì các công ty bán hàng giảm giá có duy trì được lợi nhuận và mức độ tăng trưởng hiện tại của họ lâu dài hay không? Mới đây, giám đốc tài chính của tập đoàn Tesco cho rằng, chẳng qua đây chỉ là thời điểm “lóe sáng” của những công ty kiểu đó mà thôi.
Tuy nhiên, ý kiến của ông lập tức bị phản bác bởi người phụ trách thu mua của công ty Lidl ở Anh quốc. Ông này tuyên bố chắc như đinh đóng cột là mỗi tuần sẽ mở thêm một cửa hàng và sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh 10% thị phần Anh quốc từ mức 2,9% hiện nay.
Khác với siêu thị bình thường, các cửa hàng giảm giá thường chỉ lựa chọn cung ứng một số nhóm hàng phù hợp. Phương thức đó giúp họ quan hệ với ít nhà cung ứng hơn, nhưng số lượng mua vào và bán ra lớn, dẫn đến giảm chi phí, giảm giá bán.
Theo giám đốc điều hành của Aldi tại Anh quốc, Paul Foley, một siêu thị lớn có thể bán đến 16 nhãn hàng nước sốt cà chua, trong khi ở các cửa hàng của Aldi chỉ có một nhãn hàng duy nhất. Mặt khác, hầu hết các công ty bán hàng giảm giá đều bán các mặt hàng được gắn nhãn của chính họ, giảm bớt các chi phí trung gian đối với những mặt hàng được gắn nhãn hiệu của các công ty khác.
Đây là những hệ thống phân phối sở hữu tư nhân và về lâu dài hoàn toàn có khả năng mở rộng kinh doanh ra nhiều nước trên thế giới. Trong thực tế, cả Lidl và Aldi thường ít công bố các kế hoạch tăng trưởng, nhưng các cửa hàng mới của họ thì cứ khai trương liên tục. Hiện nay, họ đang tăng trưởng nhanh ở Pháp, nơi các luật lệ hạn chế bán hàng giảm giá đang được cởi bỏ. Họ cũng đang nhắm đến Thụy Sĩ và thậm chí cả thị trường Mỹ.
Nhà phân tích về bán lẻ Jurgen Elfers của Commerzbank ở Frankfurt (Đức) nhận xét rằng, những cửa hàng mới mở của các hệ thống phân phối này tốn ít chi phí và thu hồi vốn nhanh, nên có thể tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ loại hình bán lẻ nào khác trong những thời kỳ khó khăn như hiện nay.
Điều có thể gây ra mối quan ngại đối với hầu hết siêu thị truyền thống là những công ty bán hàng giảm giá đang chứng tỏ họ là những “tay chơi” lão luyện khi thâm nhập thị trường các hàng hóa hạng sang dành cho giới nhà giàu. Chẳng hạn, ở nhiều nước, Lidl đang đưa dần các loại hàng hiệu vào bán chung với các loại hàng rẻ hơn gắn nhãn của chính họ. Aldi trước đây kinh doanh chủ yếu các loại thực phẩm đóng hộp và đóng gói ở Anh quốc, hiện đang mở rộng ra các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn.
Mới đây, đã có lời ra tiếng vào khi Lidl quyết định mở một cửa hàng tại khu phố thời trang Grafton nổi tiếng của thành phố Dublin. Những ý kiến phê phán đã cho rằng sự xuất hiện một cửa hàng giảm giá tại đây làm giảm giá trị khu phố.
Tuy nhiên, những nhà quản trị của Lidl cho rằng giới trung lưu đang thay đổi thói quen mua sắm và sẵn sàng mua hàng tại các cửa hàng của họ. Họ dẫn chứng rằng, cách đây 5 năm, 1/4 khách hàng của công ty ở Anh quốc là người giàu có, hiện nay tỷ lệ đó đã tăng lên đến một nửa. Những lo ngại về mặt kinh tế chỉ là một phần lý do, phần chính vẫn là do công ty cung cấp được những mặt hàng thực sự bảo đảm chất lượng với giá hạ.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất, xảy ra ở Na Uy. Tháng Ba vừa qua, Lidl đã quyết định từ bỏ thị trường Na Uy sau bốn năm kinh doanh, bằng cách bán lại toàn bộ cơ ngơi cho công ty nội địa Rema 1000. Các nhà điều hành siêu thị đang rất muốn biết người Na Uy đã làm thế nào để đẩy “kẻ xâm lấn” từ Đức ra khỏi thị trường mình! Tuy nhiên, Rema 1000, kẻ tiếp quản cơ ngơi của Lidl, thực ra cũng là một công ty bán hàng giảm giá.

Nguồn: Internet