Thị trường gạo thế giới năm 2010 diễn biến có lợi cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Một số nước mất mùa do thiên tai; cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2009 nên nhiều nước giàu cắt bớt nguồn viện trợ cho các nước nghèo, từ đó dự trữ lương thực giảm, cần phải bổ sung; các nước xuất khẩu truyền thống như Ấn Độ, Băng La Đét, Trung Quốc... không có kế hoạch xuất khẩu trong năm 2010. Trong khi đó, ở Việt Nam, tính đến trung tuần tháng 01/2010, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thành viên đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 2,6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2010.
Về sản xuất, hiện nay Thái Lan đang đối phó với dịch rầy nâu trên diện rộng. Đầu tiên, rầy nâu xuất hiện với mật độ cao ở vùng Đông Bắc, theo gió mùa Đông Bắc, rầy nâu lan nhanh xuống các tỉnh phía Nam Thái Lan và Myanma. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - PTNT, ngành nông nghiệp Thái Lan đang nhờ Việt Nam tư vấn kinh nghiệm khống chế dịch  rầy nâu. Được biết ở Thái Lan chưa làm tốt lịch thời vụ, với gần 10 triệu ha đất lúa nhưng đa số sản xuất tự phát, nên lúc nào cũng có nhiều trà lúa khác nhau hiện diện trên đồng ruộng.
Những năm qua Việt Nam đã thực hiện tốt lịch thời vụ, cắt vụ, xuống giống né rầy... Bên cạnh đó, công tác cải thiện chất lượng hạt giống luôn được quan tâm. Những động thái đó đã thể hiện rõ hiệu quả ở vụ Đông Xuân 2009 - 2010. Hiện nay lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển khá tốt, sâu bệnh xuất hiện và gây hại ít hơn cùng kỳ nhiều năm. Thời tiết thuận lợi cho cây lúa phát triển, hứa hẹn một vụ mùa bội thu với chất lượng gạo được cải thiện đáng kể.
Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào ngày 23/12/2009 về Đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia là vận hội mới cho người sản xuất và kinh doanh lúa gạo. 
...Thách thức lâu dài
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức lớn không dễ vượt qua. Tình trạng nóng lên của trái đất làm nước biển dâng do băng tan ở hai cực, một diện tích không nhỏ ở ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị “nhận chìm”, diện tích sản xuất bị thu hẹp đáng kể.
Các nước đầu nguồn sông Mê Kông có những công trình ngăn dòng trữ nước để làm thủy điện và những mục đích khác sẽ làm cạn kiệt nước ngọt ở hạ nguồn. Theo thống kê, các công trình trên khi hoàn thành sẽ cần đến 2.000m3/giây, lượng nước đó gần bằng với lưu lượng tối thiểu đổ vào hai con sông Tiền và sông Hậu vào mùa khô. Khi đó, nhiều nhánh sông Cửu Long sẽ cạn đáy, nước biển dâng cao, những con sông nước ngọt chở nặng phù sa sẽ nhường chỗ cho nước mặn từ biển tràn vào...
Các đối tượng gây hại trong sản xuất ngày càng diễn biến phức tạp, tính kháng của cây lúa ngày một giảm đi, trong khi sức đề kháng của sinh vật gây hại có chiều hướng tăng. Để đối phó với dịch hại, nông dân chỉ chú trọng phương pháp dùng thuốc hóa học, từ đó, độc chất tích tụ, môi trường ngày càng ô nhiễm, hệ sinh thái đồng ruộng ngày càng mất cân đối, là cơ hội cho dịch hại có điều kiện bộc phát.
Thị trường tiêu thụ lúa gạo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt vì ngày càng có nhiều nước tham gia xuất khẩu. Trong đó, đáng chú ý nhất là Myanma, với diện tích đất có khả năng trồng lúa khoảng 7 triệu ha, gấp đôi diện tích sản xuất lúa của Việt Nam, trong khi dân số chưa tới 50 triệu người. Năm 2008 Myanma xuất khẩu 300 ngàn tấn gạo; năm 2009 xuất 900 ngàn tấn với giá 320 - 330USD/tấn. Kế hoạch xuất khẩu của Myanma trong năm 2010 là 1,5triệu tấn. Nếu khai thác tốt quỹ đất sẵn có, tương lai không xa Myanma có khả năng qua mặt chúng ta về xuất khẩu gạo.
Hành động của chúng ta
Theo ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2010 sẽ thực hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu sang Philippine, đa số là gạo phẩm cấp thấp; 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu chủ yếu là Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi… là những thị trường có nhu cầu gạo cấp cao hơn. Vì vậy, đầu năm có thể chấp nhận thu mua giống IR50404, đến giữa và cuối năm chỉ mua gạo chất lượng cao. Về lâu dài sẽ hạn chế các hợp đồng gạo phẩm cấp thấp vì khó cạnh tranh với Myanma, còn thế mạnh của Thái Lan là dòng gạo thơm đặc sản. Vì vậy, Việt Nam muốn giữ thị trường xuất khẩu ổn định chỉ còn cách xen vào kẽ giữa, tức là chọn dòng sản phẩm gạo phẩm cấp cao làm thế mạnh cho mình.
Để có dòng sản phẩm gạo phẩm cấp cao phải có vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, và chỉ sản xuất tập trung 1 - 3 giống lúa có quy cách tương đương. Ông Phong đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ nông dân, trích từ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Quỹ này tập trung hỗ trợ cải thiện chất lượng giống, hỗ trợ xây dựng lò sấy và thành lập hệ thống thông tin cho 1.300 xã phường có sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc. Bên cạnh đó là việc tổ chức lại mạng lưới thương lái thu mua lúa có hệ thống, đề xuất thành lập hiệp hội xay xát.
Trong hội nghị Tổng kết sản xuất lúa năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 ở Nam bộ, tổ chức tại Thành phố Cần Thơ ngày 22/01/2010, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp -PTNT Bùi Bá Bổng kết luận định hướng đầu tư cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL và Đông Nam bộ như sau:
- Hoàn thiện hệ thống thủy lợi kết hợp với kiến thiết lại đồng ruộng và xây dựng giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sản xuất ổn định lúa Thu Đông trên cơ sở đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đê bao, bơm điện phục vụ tưới tiêu.
- Thúc đẩy nhanh cơ giới hóa khâu thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát nông sản. Khuyến khích nông dân đầu tư máy gặt đập liên hợp, dù xuất xứ từ đâu cũng có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó phải nâng tầm cơ khí chế tạo trong nước ngang tầm với sự phát triển nông nghiệp. Có kế hoạch cụ thể về hỗ trợ đầu tư lò sấy để nâng tỉ lệ lúa sấy, nhất là vụ Hè Thu. Có thể chuyển khâu sấy cho doanh nghiệp, và quy chuẩn bắt buộc là khi xây dựng kho phải có hệ thống sấy. 
- Chọn 5 giống lúa chủ lực đáp ứng yêu cầu xuất khẩu gạo phẩm cấp cao (được Bộ công nhận), nông dân sản xuất theo quy hoạch 5 giống này sẽ được hỗ trợ. Tăng cường xã hội hóa giống lúa theo mô hình của An Giang.
- Các Doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh phải quy hoạch vùng nguyên liệu cho riêng mình. Phải bàn bạc với địa phương để chọn bộ giống lúa phù hợp thổ nhưỡng.
Phấn đấu trong năm 2010 xuất khẩu 500 ngàn tấn gạo theo chủng loại giống; năm 2011 là: 1 triệu tấn; năm 2012: 1,5 triệu tấn 
Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho người  trồng lúa. Nhiều chương trình, dự án đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đặt ra trong Nghị quyết. Với quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, tin rằng Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội tốt hơn, đủ sức ứng phó với những thử thách bằng những hành động thiết thực và hiệu quả. 

Nguồn: Vinanet