Kiên trì với chiến lược phát triển rộng về quy mô, sâu về chất, ngành da giày Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế top đầu trên bản đồ xuất khẩu da giày thế giới. Cùng với đó, nhiều lợi ích do TPP và FTA mang lại cũng sẽ mở ra triển vọng sáng cho ngành da giày Việt Nam trong tương lai không xa.

Tăng cả lượng và chất

Năm 2013 là năm đầy vất vả nhưng rất đáng tự hào của ngành da giày Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đã tạo được “cú ngược dòng” ngoạn mục khi đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 30% (tháng 10/2013), sau 4 tháng giảm liên tiếp. Tính đến hết tháng 12/2013, ngành da giày đã đạt 10,304 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó, sản phẩm giày dép đạt 8,366 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ, sản phẩm túi sách, vali, mũ, ô dù đạt 1,938 tỷ USD, tăng 27,6%  so với cùng kỳ.

Mỹ tiếp tục là thị trường chủ đạo của ngành khi tính đến hết tháng 11/2013  chiếm trên 30% tỷ trọng xuất khẩu, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Anh với 496 triệu USD, tăng 8,9%; thị trường Bỉ, trên 456,1 triệu USD, tăng 26,8%; thị trường Đức, 388,9 triệu USD, tăng 11,8% và thị trường Nhật Bản đạt 394,7 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Năm 2013 cũng ghi dấu những thành công đáng kể của ngành da giày trong việc khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đơn cử, 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của ngành sang thị trường Argentina tăng 59,2%, Chile tăng 22,3%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 41,5%, Israel tăng 38%, Slovakia tăng 27,5%, Tây Ban Nha tăng 23,9%...

Tiếp tục giữ vững vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu sản phẩm da giày lớn nhất thế giới, thế nhưng, tỷ lệ 45-55% giá trị gia tăng đạt được mới thực sự là điểm nhấn của ngành da giày Việt Nam trong năm 2013, bởi đó chính là kết quả của nỗ lực phát triển về chất mà cộng đồng doanh nghiệp ngành da giày đang dày công theo đuổi.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi sách Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được cải thiện là yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao giá trị gia tăng của ngành da giày. Hiện mức nhập nguyên, phụ liệu cho sản xuất của ngành chỉ chiếm khoảng 45% nhu cầu, cũng có nghĩa ngành đã chủ động được 55% nguyên phụ liệu. Thậm chí, một số mặt hàng tỷ lệ nội địa hóa đã đạt tới 70%, giày thể thao là sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất của ngành, tỷ lệ nội địa hóa cũng đạt khoảng 50%. Với các loại phom, đế, gót giày các doanh nghiệp trong nước hầu như đã chủ động được công nghệ sản xuất. Duy chỉ có sản phẩm da thuộc tỷ lệ nhập khẩu vẫn còn cao, khoảng 65%.

Nhiều cơ hội mới

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là “cơ hội vàng” với ngành da giày Việt Nam, bởi khi gia nhập TPP, ngành da giày Việt Nam có thị trường khổng lồ của 12 nước thành viên. Quan trọng hơn, khi TPP được ký kết, sản phẩm da giày của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% so với mức bình quân khoảng 14% như hiện tại, điều này chắc chắn tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ cho sản phẩm da giày Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp ngành da giày cũng đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Bởi EVFTA cũng sẽ mở rộng cánh cửa cho sản phẩm da giày Việt Nam bước vào thị trường có quy mô 499 triệu dân của 27 nước EU. Mức thuế suất được giảm từ 12,4% xuống còn 0% cũng là điều các doanh nghiệp da giày Việt Nam mong chờ.

Có thể nói, cùng với cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập khi xuất khẩu vào thị trường EU với thuế suất được giảm từ 13-14% xuống 3-4% từ ngày 1/1/2014, ngành da giày Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và dư địa để mở rộng quy mô xuất khẩu, hướng đến phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp trong nước đã ý thức được rất rõ ràng và có sự chuẩn bị cho những cơ hội này.

Để thỏa mãn được quy tắc xuất xứ của TPP, chủ động được nguồn cung nguyên liệu và giảm thiểu tối đa chi phí, mới đây Công ty TNHH Liên Phát đã đầu tư nhà máy thuộc da với năng lực sản xuất 1 triệu Square feet (1 Square feet = 0,3048 m2) mặt hàng da thuộc/năm tại tỉnh Đồng Nai. Dự kiến trong năm 2014 nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Công ty TNHH Giày Gia Định đã chuyển dần sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu sang nguồn phụ liệu trong nước, hiện tỷ lệ nội địa hóa của công ty là khoảng 70%...

Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên liệu, vấn đề năng suất lao động cũng được các doanh nghiệp trong ngành quan tâm và cải thiện. Thông qua việc đưa công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo yếu tố môi trường, đặc biệt là áp dụng Hệ thống sản xuất tinh gọn Lean vào sản xuất… năng suất lao động của ngành đã tăng 30%.

Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành da giày Việt Nam, Công ty chuyên nghiên cứu thị trường RNCOS cho rằng: Việt Nam đã trở thành một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Hầu hết các nhà sản xuất giày dép quốc tế đã xây dựng đơn vị sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, giai đoạn 2013-2017 sản lượng giày dép của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 8%. Như vậy, với dự báo như vậy ngành da giày Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo được bước tiến dài trong tương lai không xa./.

Nguồn: thị trường nước ngoài

Nguồn: Tin tham khảo