Các công ty lớn của Hoa Kỳ chủ yếu chuyên sâu vào các dòng sản phẩm chất lượng cao, trong khi đó các công ty vừa và nhỏ lại thành công với những sản phẩm dệt may hàng loạt. Mặc dù ngày càng “tự động hoá” trong sản xuất nhưng số lượng lao động sử dụng trong ngành dệt may của Hoa Kỳ vẫn rất lớn với thu nhập hàng năm khoảng gần 170.000 USD. Các nguyên liệu chính được sử dụng trong ngành sản xuất vải sợi của Hoa Kỳ là len, bông (cotton) và sợi nhựa tổng hợp. Vải chiếm 40% doanh thu của ngành sản xuất dệt may Hoa Kỳ, chỉ sợi chiếm 20%, các loại thảm chiếm 20%, và chăn màn, rèm cửa chiếm 20%.
Nhu cầu nhập khẩu: Với những mặt hàng chính như quần áo may sẵn, hàng thêu ren, trang trí và vải sợi, nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ chỉ tăng 1,8% trong năm 2007. Trong đó các sản phẩm dệt tăng 4,5%, hàng thêu ren tăng 3,5%, tuy nhiên nhập khẩu vải giảm 2,9% và sợi giảm 9,8%. Hàng thêu ren vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong tổng sản lượng nhập khẩu hàng dệt may với 43,9%. Mặc dù vậy, các sản phẩm từ vải dệt đang ngày càng trở nên quan trọng trong những năm qua với thị phần tăng đều theo các năm từ 16,8% năm 1997 lên đến 33,7% năm 2007.
Về chất liệu, cotton hiện vẫn rất được ưa chuộng tại  Hoa Kỳ. Năm 2007, số lượng nhập khẩu mặt hàng quần áo chất liệu cotton chiếm 60,2% tổng số lượng hàng dệt may của Hoa Kỳ.
Giá nhập khẩu đối với mặt hàng dệt may đang có xu hướng tăng lên. Các nước xuất khẩu hàng dệt may chính sang Hoa Kỳ là Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… Trung Quốc là nước cung cấp nhóm hàng này lớn nhất cho Hoa Kỳ cả về số  lượng lẫn kim ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 14,8%, giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng của năm 2005 là 43,7%, năm 2003 là 67%.
Nhập khẩu dệt may từ Mexico, nước cung cấp lớn thứ hai của Hoa Kỳ, năm 2007 giảm cả về số lượng và kim ngạch. Trong khi đó, mặc dù mới chỉ chiếm 13,6% về kim ngạch và 14,9% về số lượng của thị trường nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ, song sản phẩm dệt may đến từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan đang tăng mạnh, đặc biệt là Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ nhanh nhất cả về kim ngạch (tăng 34%) và số lượng (tăng 31%).
Theo thống kê của Bộ thương mại Hoa Kỳ, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đang giảm xuống, thị phần của Trung Quốc đang thu hẹp lại, tạo cơ hội cho các sản phẩm dệt may đến từ Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng hơn 20%, Ấn Độ tăng 8,2%, trong khi đó Trung Quốc chỉ tăng 0,2%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 14,8% năm 2007.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ:
Mặc dù giá nguyên liệu tăng cao trong những tháng đầu năm 2008, Việt Nam vẫn xuất khẩu được 2,4 tỉ USD kim ngạch sản phẩm dệt may sang thị trường Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, tiếp đó là EU (780 triệu USD) và Nhật Bản (360 triệu USD).
Hiện nay, Hội đồng Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đang xếp Việt Nam nằm trong top 5 nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Hoa Kỳ. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, mặc dù trong thời gian gần đây thị trường dệt may trên thế giới có nhiều biến động, song ngành dệt may của Việt Nam vẫn đặt ra chỉ tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2008 đạt 9,5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 5,4 tỉ USD. Kim ngạch này sẽ đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 vào Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc (6,1 tỉ USD).
Lợi thế của ngành dệt may Việt Nam so với Trung Quốc:
Năm 2008 là một năm khó khăn đối với ngành dệt may Trung Quốc. Trong báo cáo vừa công bố,  Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của nước này từ tháng 9/2007-5/2008 đã giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, do đồng nhân dân tệ lên giá nhanh hơn, chi phí lao động và sản xuất tăng. Ngoài ra, yêu cầu về môi trường trong sạch để phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008 đã khiến một loạt các nhà máy sản xuất sợi chỉ, dệt may phải đóng cửa để giảm thiểu mức ô nhiễm môi trường tới mức tối đa. Hơn nữa, ngành dệt may của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với các đề xuất bảo vệ ngành công nghiệp dệt may của các nhà sản xuất Hoa Kỳ khi thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng dệt may chủ lực của Trung Quốc sẽ hết hiệu lực vào tháng 1/2009.
Trước sự khó khăn của thị trường dệt may Trung Quốc, nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã tìm đến thị trường Việt Nam như một thị trường tiềm năng. Việt Nam hiện còn có lợi thế hơn Trung Quốc vì không bị áp đặt thuế chống bán phá giá. Mặc dù các nhà chức trách Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra, tuy nhiên theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện chưa phát hiện được dấu hiệu bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao và các loại sản phẩm mới nhằm tăng thêm lợi nhuận và giảm thiểu những tác động xấu của hệ thống giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may khoảng 40%, ngành dệt may của Việt Nam có nhiều triển vọng tốt trong hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn gặp một số những thách thức. Mặc dù không bị áp thuế chống bán phá giá nhưng hàng dệt may của Việt Nam vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ bởi cơ chế giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng cảng biển.
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra là 5,4 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu và trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung hơn nữa vào việc đổi mới cơ cấu, mẫu mã sản phẩm, phát triển các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến, cũng hư chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của phía Hoa Kỳ, để tránh tình hình bất lợi đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Nguồn: Vinanet