Phó trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại TP.HCM cho biết, Trung Quốc là một thị trường có sức mua lớn, dễ tính và đa dạng với hơn 1,3 tỷ dân.
“Những mặt hàng mà Việt Nam có thể đưa vào thị trường Trung Quốc là các nhóm hàng như: nông sản, các sản phẩm từ sữa, vật liệu xây dựng, đồ gỗ và trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu chế biến thực phẩm, thủy sản khô và đông lạnh, dược phẩm nguyên liệu thô”.
 
Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này ước đạt 1.800 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu có thể đạt 850 tỷ USD. Như vậy, dư địa thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
 
Đồng quan điểm trên, theoTổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trong tình hình suy thoái kinh tế, năm nay, xuất khẩu nguyên liệu cao su sang Trung Quốc không những không giảm mà còn tăng, trong khi các thị trường xuất khẩu khác như châu Âu, Nhật, Mỹ đều giảm.
 
“Hiện nay, tỷ lệ cao su xuất sang Trung Quốc theo đường mậu biên chiếm đến gần 50% tổng sản lượng xuất khẩu cao su Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thận trọng với những rủi ro có thể gặp về mặt thanh toán”, bà Hoa nói.
 
Thị trường Trung Quốc chấp nhận tất cả các chủng loại cao su của Việt Nam, tạo cho doanh nghiệp tâm lý ỷ lại, không chịu nâng cao chất lượng hàng hoá.
 
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp phải nắm được thông tin, hiểu được đặc điểm cũng như nhu cầu của thị trường.
 
“Tại Trung Quốc, những vùng miền khác nhau có nhu cầu nhập khẩu khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu nhu cầu của từng vùng miền, nếu xuất khẩu qua vùng này không được rồi vội nói Trung Quốc không có nhu cầu là không đúng”, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nói.Bài học của Biti’s, Bita’s và mới đây là sản phẩm mít sấy khô Vinamit cho thấy, nếu biết cách, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thâm nhập được thị trường này.
 
Một số doanh nghiệp khác cho rằng, hiện nay, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường mậu biên khá lớn, nếu doanh nghiệp không kịp cập nhật những chính sách thương mại mậu biên, thì sẽ gặp trở ngại. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ những thông tin này từ phía cơ quan nhà nước.
 
Theo các chuyên gia, để tiếp cận thành công thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần thông qua các hội chợ quốc tế, chuyên ngành tổ chức tại Trung Quốc; các hiệp hội ngành hàng của Trung Quốc hoặc liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại Trung Quốc…
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp nên thận trọng khi ký hợp đồng tại những hội chợ triển lãm, không nên ký hợp đồng theo mẫu hợp đồng của doanh nghiệp Trung Quốc…

Nguồn: Báo đầu tư