Trước đó, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra những lô hàng gia công xuất khẩu thực hiện từ năm 2002 đến năm 2006 đối với một số DN dệt may. Qua kiểm tra, cơ quan hải quan đã phát hiện một lượng sản phẩm, vải được bán ra thị trường nội địa vượt ngoài định mức tiêu hao mà DN đã kê khai, nên đã yêu cầu các DN này phải nộp thuế nhập khẩu truy thu.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xung quanh kiến nghị của mình, Bộ Công thương cho biết, trong quá trình sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của các DN dệt may, hoạt động gia công xuất khẩu được thực hiện theo hợp đồng giữa DN trong nước với khách hàng nước ngoài. Theo hợp đồng, nguyên phụ liệu (vải, khuy, chỉ...) do khách hàng cung cấp theo định mức để sản xuất ra sản phẩm, các DN được nhận tiền gia công sau khi đã hoàn  thành hợp đồng.
Về định mức tiêu hao nguyên phụ liệu, khách hàng nước ngoài sẽ tính cho DN gia công một lượng phế liệu phát sinh trong quá trình sản xuất, bằng từ 3% đến 5% định mức cơ bản của sản phẩm để bù đắp hao hụt tự nhiên, vải đầu tấm, vải để thay thân, đổi màu, vải loại ra do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, phế liệu loại ra trong quá trình sản xuất của DN may, cũng được coi là vật tư tiết kiệm trong sản xuất.
Đối với vật tư tiết kiệm trong việc sản xuất  hàng may mặc xuất khẩu. Các DN thường tận dụng một phần vải đầu tấm, phụ liệu để sản xuất hàng nội địa, còn lại chủ yếu là đem bán dưới dạng phế liệu. Trong điều kiện giá gia công hàng may mặc ngày càng giảm, tiền lương của công nhân ngành may ngày một thấp, thì số tiền thu được do tiêu thụ sản phẩm từ vật tư tiết kiệm chủ yếu được dùng để bù đắp đơn giá tiền lương nhân công.
Mặt khác, sản phẩm được làm từ vật tư tiết kiệm có kích cỡ, màu sắc, không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, hoặc tồn tại dưới dạng vải vụn, nên có giá bán rất thấp so với giá nguyên liệu chính phẩm nhập khẩu. Vì vậy, việc không truy thu thuế nhập khẩu đối với vải tiết kiệm nằm trong định mức gia công xuất khẩu là để khuyến khích DN thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm bớt khó khăn cho DN dệt may.
Nhưng đối với số vật tư do DN tiến hành nhập khẩu vượt định mức theo hợp đồng gia công, thì phải nộp thuế nhập khẩu theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời những DN nào lợi dụng chính sách của Nhà nước để gian lận thương mại, thông qua hình thức gia công hàng may mặc xuất khẩu bị phát hiện, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế việc gian lận thương mại qua hình thức gia công hàng may mặc xuất khẩu, Bộ Công thương cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính  rà soát lại các quy định về thủ tục kê khai, giám sát và quản lý đối với vật tư nhập khẩu để gia công, trong đó có định mức tiêu hao nguyên phụ liệu, thanh lý hợp đồng gia công, thanh khoản hợp đồng với hải quan...Để từ đó tiến hành quản lý chặt chẽ vật tư gia công, đồng thời tạo thuận lợi và công bằng cho DN trong việc thực hiện hợp đồng gia công xuất khẩu.

Nguồn: Bộ Thương Mại