Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay thời gian qua, thị trường giá cả liên tục biến động khiến cho ngành điện rơi vào cảnh khó khăn. EVN đang triển khai xây dựng 18 nhà máy điện lớn để lần lượt đưa vào vận hành từ nay đến năm 2010.
Tuy nhiên, hầu các dự án này đều có nguy cơ chậm từ 3-6 tháng so với kế hoạch do những thay đổi về địa chất, thời tiết, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Để đáp ứng đủ điện, EVN đang tính toán các khoản đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn do giá bán điện chưa hấp dẫn.
Một quan chức của EVN nhẩm tính chi phí đầu vào của ngành điện đã tăng nhiều so với mặt bằng năm 2005, riêng nhiên liệu cho ngành điện đã tăng 20,42%. Nếu không điều chỉnh giá điện theo đúng lộ trình, mỗi năm EVN sẽ lỗ 1.400 tỷ đồng.
EVN cho hay theo lộ trình tăng giá bán điện mà Chính phủ phê duyệt từ 1/7/2008, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên là 890 đồng cho mỗi kWh. Tuy nhiên, mức này chưa tính đến yếu tố đầu vào, nên mới đây, EVN đề nghị có thêm phương án thứ hai điều chỉnh giá bán lẻ bình quân lên mức 917 đồng cho mỗi kWh, tăng 6,6% so với giá bình quân 842 đồng trong năm 2007.
Một quan chức Bộ Công Thương cho hay, các phương án giá điện mới vẫn đang được cân nhắc. Thời điểm nào áp dụng chính thức, mức tăng ra sao sẽ do Chính phủ quyết định. Trao đổi với báo chí chiều 28/2, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay, ông chưa nhận được báo cáo về phương án tăng giá điện lần này nên chưa thể có những đánh giá cụ thể. "Chính phủ sẽ bàn về vấn đề tăng giá điện, có thể vào cuối năm nay", người đứng đầu ngành Tài chính dè dặt.
Đây là đợt tăng giá thứ hai trong cả lộ trình tăng giá từ nay đến năm 2010. Bước ba thực hiện từ 2010, áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá bán điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh và biến động của các yếu tố đầu vào khác có liên quan.
Ngày 1/1/2007, cả nước bắt đầu áp dụng giá điện mới, tăng 7,6% so với mức cũ. Đối với 100 kWh đầu tiên vẫn giữ nguyên mức cũ 550 đồng/kWh. Từ 101-150 kWh tiếp theo áp dụng mức tăng bậc thang 23%, từ 151- 200 kWh mức tăng 21%; tăng 19% đối với bậc thang 201-300 kWh; tăng 23% đối với bậc thang 301-400 kWh và tăng 27% đối với bậc thang 400 kWh trở lên.
Theo tính toán của Liên bộ Tài chính - Công Thương, với mức tăng bình quân 7,6% tại thời điểm tháng 1/2007, chi phí đầu vào của các ngành tăng thêm trên dưới 1%. Trong đó, ngành sản xuất xút chịu ảnh hưởng nặng nhất với mức tăng chi phí khoảng 1,9%, tiếp đó là ngành giấy 1,15%. Các ngành khác như xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng, nhựa... mức tăng dưới 1%.

Nguồn: Internet