Theo quan chức trên, hoạt động của ngành kinh tế này đang lâm vào tình trạng bế tắc do thiếu đơn đặt hàng và nhiều khả năng thêm 35 nhà máy dệt may xuất khẩu ở Campuchia sẽ phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng vào cuối tháng 11 và trong tháng 12 tới, đồng thời sẽ có thêm 4.000-5.000 công nhân nữa bị mất việc làm, nếu như tình hình thị trường dệt may thế giới khắc nghiệt hiện nay không được cải thiện. Từ đầu năm tới nay, đã có 30 nhà máy dệt may phải đóng cửa vì không có đơn đặt hàng mới và 20.000 công nhân ngành dệt may phải nghỉ việc.
Ông Chuon Momthol nhận định hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sáng sủa đối với ngành dệt may xuất khẩu của Campuchia trong tương lai gần và trong năm 2009. Nguyên nhân của tình hình này không chỉ do cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay mà còn bởi sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác.
Campuchia hiện có gần 400 nhà máy và cơ sở dệt may xuất khẩu và tạo việc làm cho 350.000 lao động, trong đó chủ yếu là thanh niên từ các vùng nông thôn.
Ngành dệt may xuất khẩu của Campuchia đã có một thời kỳ phát triển "bùng nổ" trong thập niên vừa qua nhờ được hưởng quy chế thương mại ưu đãi của Mỹ. Khoảng 70% sản phẩm của ngành được xuất sang thị trường Mỹ với doanh thu hàng năm đạt từ 1,4 đến 2,6 tỷ USD. Nếu ngành dệt may Campuchia bị đình đốn sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của 1,7 triệu người Campuchia.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam