Sản lượng khai thác cá ngừ toàn cầu đạt kỷ lục mới

Sau khi đạt mức cao kỷ lục năm 2012, sản lượng cá ngừ toàn cầu năm 2013 đạt mức cao mới vượt 4,5 triệu tấn, phá vỡ kỷ lục năm 2012. Sản lượng tăng là do công suất và hiệu quả khai thác tăng.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO), sản lượng cá ngừ toàn cầu năm 2013 tăng ở tất cả các khu vực khai thác có tổ chức quản lý (RFMO) trừ khu vực thuộc quản lý của Ủy ban quốc tế về Bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT). Sản lượng tăng 1,3% từ 4.486.519 tấn năm 2012 lên 4.545.342 tấn của năm 2013.

Theo Tổ chức phát triển bền vững (ISSF), sinh khối tất cả các loài cá ngừ đều ở mức bền vững theo khuyến cáo của các nhà khoa học và không bị ảnh hưởng bởi mức tăng sản lượng cá ngừ toàn cầu 8,45%.

Thái Lan giảm mạnh nhập khẩu cá ngừ vằn trong tháng 1/2015

Tháng 1/2015, NK cá ngừ vằn đông lạnh vào Thái Lan giảm so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Hải quan Thái Lan, tổng NK cá ngừ vằn vào Bangkok tháng 1/2013 đạt 65.229 tấn; tháng 1/2014 giảm 30,7% xuống 45.208 tấn; tháng 1/2015 giảm 20,5% xuống 35.940 tấn.

Sự sụt giảm phản ánh thời kỳ khủng hoảng mà ngành chế biến cá ngừ Thái Lan đang phải trải qua do nhu cầu từ các thị trường chính giảm.

Tháng 1/2015, NK từ Mỹ và Vanuatu vào Thái Lan giảm mạnh nhất. Nguồn cung cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng từ Mỹ giảm gần một nửa từ mức 6.120 tấn trong tháng 1/2014 xuống 3.517 tấn trong tháng 1 năm nay.

Với mức giá cá ngừ vằn Bangkok hiện tại là 1.000 USD/tấn, nhiều nhà NK vẫn chờ giá giảm thêm (mức báo động đối với các chủ tàu) trước khi đặt lệnh giao dịch.

Ecuador thực hiện chương trình tiếp thị tôm tại Hội chợ Thủy sản Boston

Phòng nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (CNA) cho biết, nước này triển khai chiến dịch “Tôm hạng nhất” tại Hội chợ thủy sản Quốc tế Seafood Expo North America.

Chiến dịch tiếp thị mới này được triển khai tại Hội chợ thủy sản Boston diễn ra từ 15-17/3/2015. Đây là sự kiện quan trọng cho quảng bá hàng thủy sản trên thị trường Mỹ, Jose Antonio Camposano, Lãnh đạo CAN cho biết.

Theo thống kê từ Ngân hàng Trung ương Ecuador, XK tôm của nước này năm 2014 đạt 2,57 tỷ USD, tăng 44% so với 2013. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Ecuador với tỷ trọng 30% tổng giá trị XK tôm của nước này.

Thủy sản NK chiếm 91% tổng thủy sản được tiêu thụ của Mỹ, trong số đó, tôm chiếm 25%. Do vậy, tôm là mặt hàng NK chính và được tiêu thụ nhiều tại thị trường này.

Tháng 1/2015, xuất khẩu tôm Indonesia sang Mỹ tăng 37%

Indonesia tăng 37% XK tôm sang Mỹ trong tháng 1/2015, vượt qua Ấn Độ trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ trong tháng này.

Indonesia đã XK 9.948 tấn tôm sang Mỹ trong khi Ấn Độ XK 9.437 tấn. Mặc dù NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ vẫn tăng so với tháng 1/2014, nhưng mức tăng thấp hơn trước.

Mexico là nước có mức tăng cao nhất khi NK tôm từ nước này vào Mỹ đã tăng 103% từ 1.480 tấn tháng 1 năm ngoái lên 3.006 tấn tháng 1 năm nay. Mexico hiện là nước XK tôm lớn thứ 6 sang Mỹ.

Ecuador đã XK 6.837 tấn và là nhà cung cấp lớn thứ 3. Tuy nhiên, NK tôm từ nước này vào Mỹ đã giảm so với 7.751 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan theo sát Ecuador với 6.347 tấn tôm được XK sang Mỹ trong tháng 1/2015, tăng 7% so với tháng 1/2014. Theo ước tính của Cục Thủy sản Thái Lan, sản lượng tôm của nước này năm nay đạt khoảng 300.000 – 400.000 tấn. Theo số liệu của Aquaculture Asia Pacific, tổng sản lượng tôm của Thái Lan năm 2014 đạt 328.000 tấn, tăng so với 267.615 tấn năm 2013.

XK tôm Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 1/2015 giảm so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.281 tấn và đứng thứ 5 về cung cấp tôm cho thị trường này.

Tháng 1/2015, tổng NK tôm vào Mỹ tăng 8,5% lên 50.841 tấn, tuy nhiên, giá trị lại giảm 5,9% từ 579 triệu USD xuống còn 544,6 triệu USD. Như vậy, giá trung bình tôm NK vào Mỹ đã giảm.

Việt Nam, Philippines khai thông đường dây liên lạc nghề cá

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phối hợp cùng với Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản ( Bộ Nông nghiệp Philippines) tổ chức điện đàm khai thông đường dây liên lạc để thông tin về hoạt động nghề cá giữa hai nước.

Theo đó, đường dây liên lạc này sẽ tạo điều kiện để hai bên kịp thời thông báo các thông tin về hoạt động của tàu cá và ngư dân trên biển, tàu cá và ngư dân có nhu cầu tránh, trú bão khi cần thiết, khi tìm kiếm, cứu nạn. Thông qua đường dây liên lạc này, hai bên có thể liên hệ trực tiếp với nhau để cùng phối hợp hỗ trợ tàu cá và ngư dân đang hoạt động trên biển kịp thời và có hiệu quả.

Hà Lan nhận 129 triệu euro để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản

Trong hơn 7 năm tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ chi 129 triệu euro để bảo tồn và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản tại Hà Lan.

EC đã thông qua chương trình triển khai Quỹ Chính sách về Biển và Nghề cá (EMFF) của Hà Lan trong giai đoạn 2014-2020.

Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên được thông qua chương trình này.

Quỹ mang đến nhiều cơ hội phát triển các sáng kiến cho ngành thủy sản, góp phần vào thành công của các mục tiêu của Chính sách Thủy sản Chung châu Âu.

Indonesia: Sản xuất tôm thẻ lớn thứ hai thế giới

Theo tổ chức Nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương, Indonesia đã trở thành nước sản xuất tôm thẻ lớn thứ 2 trên thế giới năm 2014.

Sản lượng tôm thẻ vượt 31%, đạt 504.000 tấn, đứng sau Trung Quốc (955.000 tấn). Sản lượng tôm thẻ của Ecuador cũng tăng 19%, từ 286.000 tấn lên 340.000 tấn. Trong khi đó ngành sản xuất tôm thẻ ở Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, sản lượng giảm từ 250.000 xuống 220.000 tấn năm 2014, thấp hơn sản lượng tôm thẻ của Ấn Độ (300.000 tấn). Nhìn chung, sản lượng tôm thẻ toàn thế giới năm ngoái tăng từ 2,7 triệu tấn lên 3,05 triệu tấn. Đó là kết quả của sự dịch chuyển từ tôm sú sang tôm thẻ ở hàng loạt quốc gia đầu bảng trong lĩnh vực nuôi tôm.

Mỹ: Chế biến thức ăn chăn nuôi thay thế bột cá, dầu cá

Do chi phí sử dụng bột cá, dầu cá trong các trại nuôi thủy sản ngày càng tăng, các nhà khoa học ở New Orleans, Louisiana, Mỹ đang nghiên cứu nguồn thức ăn thay thế khác có giá thấp hơn gồm tảo biển, nấm và mỡ bò.

Tuy nhiên, việc mở rộng sử dụng nguồn thức ăn trên phạm vi toàn cầu vẫn là thách thức. Hiện, cá hồi nuôi Atlantic có thể đạt tốc độ tăng trưởng tốt bằng nguồn thức ăn không có bột cá. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách thức sử dụng nấm sò làm nguồn thức ăn thay thế cho cá rô sông Nile. Trước đó, một vài nơi ở Mỹ đã sử dụng đậu nành, vi tảo làm nguồn thức ăn thay thế nhưng giá đậu nành và chi phí sản xuất vi tảo đều tăng cao.

Trung Quốc: Sẽ thiếu hụt tôm bố mẹ

Công ty SIS Trung Quốc năm 2015 cung cấp 140.000 - 150.000 cặp tôm bố mẹ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

Wang Jinde, phụ trách vận chuyển hàng hóa cho SIS Trung Quốc cho biết, doanh số bán hàng từ giữa tháng 11/2014 đạt 1.000 cặp tôm bố mẹ mỗi ngày. Nhiều công ty Trung Quốc đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất, nhằm tự chủ nguồn tôm bố mẹ, nhưng chưa có nhiều tiến triển. Tôm bố mẹ sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu của các trại giống. Ngoài ra, chi phí sản xuất rất tốn kém khiến hoạt động sản xuất trong nước khó phát triển.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep