*Thép, gas, phân bón bắt đầu giảm giá
Sau một thời gian tăng giá mạnh thì nay nhiều mặt hàng thiết yếu đã bắt đầu giảm. Nguyên nhân là do giá thế giới giảm mạnh và sức tiêu thụ trong nước đang rất thấp. Dù chưa giảm đồng loạt và mức giảm còn nhẹ, tuy nhiên trong tuần qua nhiều mặt hàng quan trọng, thường tác động mạnh đến sản xuất cũng như tiêu dùng (như sắt thép, gas, phân bón...) đã bắt đầu giảm giá. Theo dự báo từ giới chuyên môn, nhiều khả năng những mặt hàng này sẽ còn tiếp tục giảm.
Tại TPHCM, giá thép xây dựng giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn. Một số hãng sản xuất thép cho biết giá phôi thép thế giới hiện đang giảm mạnh, từ 1.100 USD/tấn - 1.200 USD/tấn nay chỉ còn 960 USD/tấn. Với mức giá này thì các hãng thép chỉ cần bán 18 triệu đồng/tấn là đã có lãi. Do giá thép từ các hãng sản xuất giảm nên giá bán tại các cửa hàng vật liệu xây dựng cũng bắt đầu giảm nhưng mức giảm ít hơn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/tấn. Ngoài việc giá phôi thép giảm mạnh, giá thép tại thị trường phía Bắc cũng đang giảm đáng kể (hiện thấp hơn thị trường phía Nam gần cả triệu đồng/tấn). Do đó sớm muộn gì hàng từ thị trường phía Bắc cũng sẽ được đưa vào phía Nam nếu các đơn vị sản xuất thép không tiếp tục giảm giá.
Đầu tháng 8, các công ty kinh doanh gas tại TPHCM đã giảm giá gas gần chục ngàn đồng/bình (còn khoảng 266.000 đồng/bình 12 kg) nhưng sức tiêu thụ vẫn giảm từ 30%- 35% so với lúc bình thường. Giá gas thế giới vừa giảm tiếp 32 USD/tấn, còn 843 USD/tấn nên một số hãng gas trong nước cho biết đang tính toán để có thể điều chỉnh giảm giá bán lẻ thêm 5.000 đồng - 6.000 đồng/bình 12 kg vào cuối tháng 8 này.
*Giá xăng giảm 1000 đ/lít còn 18.000 đồng/lít
Theo Quyết định số 68 do Bộ Tài chính ban hành sáng 14/8, xăng A92 sẽ giảm 1.000 đồng xuống còn 18.000 đồng một lít. Mức giảm tương tự cũng áp dụng với mặt hàng dầu. Quyết định của Bộ Tài chính ban hành lúc 9h ngày 14/8/2008 và có hiệu lực từ 10h. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập tới giá bán của các loại nhiên liệu khác, ngoài xăng A92 và dầu hỏa.
Hôm 21/7, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng trên 30% do áp lực từ thị trường thế giới, riêng xăng A92 nâng từ 14.500 đồng lên 19.000 đồng một lít. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó tới nay, giá dầu thô thế giới liên tục đi xuống, từ mức trên dưới 140 USD mỗi thùng xuống còn dưới 112 USD một thùng vào ngày hôm qua.
Theo tính toán của giới chuyên gia, với mức giá thế giới hiện nay, nếu nhập hàng về, các đầu mối có thể lãi 4.500 - 5.000 đồng mỗi lít xăng A92 và khoảng 2.000 đồng cho mỗi lít dầu. Tuy nhiên, lượng hàng nhập lúc giá cao vẫn tồn khá nhiều trong kho của các doanh nghiệp.
14/8 giá xăng dầu giảm, tuy nhiên ngày mai 15/8 các hãng hàng không bắt đầu thu phụ phí nhiên liệu cho một số chặng nội địa, với mức 50.000-180.000 đồng mỗi chiều, tùy chặng.
*Giá giấy viết sẽ không tăng
Bộ Công Thương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành giấy trong tháng 7 vẫn ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2007. Sản lượng giấy ước đạt 195,6 nghìn tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh thu 2077,4 tỷ đồng, tăng 28,3%.
Hiện lượng giấy viết phục vụ cho năm học mới sẽ đáp ứng đủ nhu cầu, vì vậy giá giấy sẽ không tăng đến sau khi khai giảng; chỉ có giá giấy in báo tăng do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong khi giá giấy in báo thế giới tăng cao(hiện ở mức 800 USD/tấn, có khả năng tăng lên 820-850 USD/tấn).
*Vàng tăng 30.000 đồng/chỉ, trở lại mốc trên 1,7 triệu đồng mỗi chỉ
Sau khi bất ngờ giảm khoảng 100.000 đồng/chỉ vào sáng 12/8, nhiều người dân đã đổ đi mua vàng, khiến lượng vàng bán ra tại các doanh nghiệp tăng vọt. Vàng trong nước gần như không còn phụ thuộc vào biến động của giá thế giới, khi tăng cao hơn tới 70.000 đồng/chỉ. Do sức cầu đột biến, sáng 13/8, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã điều chỉnh giá tăng khoảng 30.000 đồng/chỉ so với sáng 12/8.
Công ty SJC Hà Nội công bố giá giao dịch mua vào là 1.705.000 đồng/chỉ và bán ra ở mức 1.722.000 đồng/chỉ; Bảo Tín Minh Châu mua vào 1.700.000 đồng/chỉ và bán ra ở mức 1.725.000 đồng/chỉ; giá mua vào tại Công ty vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 1.689.000 đồng/chỉ và bán ra ở mức 1.715.000 đồng/chỉ. Theo các cửa hàng kinh doanh vàng, nguyên nhân giá vàng tăng là do tâm lý người dân thấy đây là mức giá "thấp đến khó tin" nên đã đổ xô đi mua vàng.
Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn vàng, giá vàng còn có thể tiếp tục giảm sâu hơn trong thời gian tới khi thị trường đang ở vào mùa thấp điểm.
*Rau xanh tăng giá mạnh vì khan hàng
Mưa lũ tại Lào Cai, Yên Bái trực tiếp tác động đến đời sống người dân thành phố khi một số mặt hàng thực phẩm, nhất là rau tươi nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn vận chuyển, dẫn đến khan hàng. Tại các chợ lớn của Hà Nội như chợ: Hôm - Đức Viên; Chợ 19/12; chợ Hàng Bè, trong mấy ngày vừa qua các mặt hàng rau củ, quả đã tăng giá.
Theo đó cà chua tăng từ 8.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, càrốt từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/kg; khoai tây từ 12.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; bắp cải từ 7.000 đồng lên 12.000 đồng/kg; rau cải xanh mầm lên 20.000 đồng/kg; rau xà lách tươi từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/kg; rau muống từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ; mùng tơi lên 3.000 đồng/mớ. Các tiểu thương quầy rau tại chợ Hôm cũng cho hay: Giá các loại rau quả có nguồn cung cấp từ Trung Quốc sang phải tăng thêm ít nhất từ 30-40%.
*Cước taxi, vận tải chưa giảm theo giá xăng
Với mức giảm 1.000 đồng/lít xăng trong ngày 14/8, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong ngành vận tải tỏ ý không bất ngờ và cũng chưa có ý định giảm giá cước. Theo các doanh nghiệp này, mức giảm còn quá thấp so với gánh nặng mà họ đang chịu đựng.
Được biết, trong những tháng qua thị trường taxi bị mất khách nhiều so với trước, doanh thu của nhiều hãng giảm từ 15-20% do người tiêu dùng tiết kiệm hơn và không chấp nhận mức giá tăng mới.
 

Nguồn: Vinanet