Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Cơ quan Dự trữ An ninh lương thực ASEAN (ASFRB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Diễn đàn Thương mại gạo ASEAN lần thứ hai tại thành phố Yogyakarta, Indonesia.
 
Diễn đàn này được tài trợ bởi Quỹ Nhật Bản cho xóa đói giảm nghèo thông qua ADB.
 
Diễn đàn- nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực đảm bảo hoạt động giao dịch và tiếp cận dễ dàng các nguồn cung gạo chính ở châu Á- đã thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ 10 nước thành viên ASEAN, các nhóm kinh doanh nông nghiệp, nhiều tổ chức phi chính phủ và cơ quan phát triển quốc tế.
 
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch AFSRB đồng thời là Vụ trưởng sản xuất lúa Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, Ngin Chhay nêu rõ diễn đàn là nền tảng để thảo luận và trao đổi các vấn đề và cách thức thúc đẩy các chính sách phối hợp và đầu tư có ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo khu vực, nhằm tăng cường đảm bảo an ninh lương thực ở Đông Nam Á.
 
Chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của ADB, Lourdes Adriano lưu ý rằng mặc dù Đông Nam Á có những nhà xuất-nhập khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới, song thương mại gạo trong khu vực vẫn còn ở mức thấp.
 
Giao dịch mỏng như vậy làm cho thị trường lúa nhạy cảm với biến động giá cực đoan, và điều này từng thể hiện rõ trong giai đoạn khủng hoảng năm 2007-2008 với giá lương thực tăng vọt.
 
Bà Lourdes Adriano nhấn mạnh thương mại gạo có khả năng kiểm soát giá gạo và điều này càng có ý nghĩa quan trọng ở một khu vực đông dân số và còn nhiều người thuộc diện nghèo như châu Á.
 
Mục tiêu chính của diễn đàn là để xác định lựa chọn chính sách nhằm tăng cường hợp tác khu vực, đầu tư dây chuyền cung ứng cho sự phát triển bền vững của thương mại gạo và an ninh lương thực, đảm bảo phối hợp tốt hơn các chính sách lương thực của tất cả các nước thành viên ASEAN thông qua trao đổi thông tin kịp thời chính xác và phân tích thị trường lúa gạo.
 
Phát biểu tại diễn đàn, Tham tán công sứ Phái đoàn đại diện thường trực Nhật Bản tại ASEAN, Takako Ito, khẳng định sự cần thiết và bắt buộc thúc đẩy hợp tác khu vực về thương mại gạo, đặc biệt là liên quan đến giải quyết tình trạng nghèo đói trong khu vực, khi gạo vẫn chiếm ưu thế là lương thực chính ở châu Á.
 
Trong khi đó Trợ lý Bộ trưởng về hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp Indonesia, Tahlim Sudaryanto, đã chia sẻ những phát triển gần đây trong chương trình của chính phủ nước này nhằm hoàn thành mục tiêu tự cung lương thực vào năm 2014-2015.
 
AFSRB được thành lập năm 1979 để điều phối dự trữ an ninh lương thực ASEAN nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ điều hành dự trữ gạo khẩn cấp đã được chuyển giao cho ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) vào năm 2011./.