Theo Vitas, mặc dù cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam đi ngược với các nguyên tắc của WTO, không phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ và tác động không nhỏ đến xu hướng quan hệ thương mại, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nhưng ngành dệt may và các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực thi các giải pháp tự giám sát cần thiết, đồng thời hợp tác với Bộ Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng và các nhà nhập khẩu, bán lẻ Hoa Kỳ nhằm vận động, đấu tranh chống lại cơ chế giám sát nói trên.

Hiệp hội đề nghị phía Hoa Kỳ nên chấm dứt cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam hoặc ít nhất hạn chế quy mô giám sát và đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn đối với việc giám sát để các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể yên tâm đầu tư, sản xuất và các nhà nhập khẩu bán lẻ Hoa Kỳ có thể yên tâm và chủ động hơn trong việc lập kế hoạch mua hàng ổn định tại Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ưu tiên lựa chọn các đơn hàng có giá trị gia tăng cao, nhất là đối với các nhóm hàng nhạy cảm khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD hàng dệt may trong năm 2008.
 
 

Nguồn: Vinanet