Giá DRAM rẻ rất có lợi cho những ai muốn mua máy tính mới hoặc thêm bộ nhớ cho chiếc máy tính xách tay hay máy tính để bàn của mình. Các nhà sản xuất PC như Dell và Acer thường thêm nhiều DRAM cho các PC mới khi giá chip rẻ và người dùng cũng có thể tăng tốc cho chiếc PC cũ kỹ bằng cách cài đặt thêm DRAM.

Trong một cuộc hội thảo tại Đài Bắc (Đài Loan) hôm 18/3/2008, nhà phân tích chip nhớ Simon Woo của Merrill Lynch cho rằng, tình trạng tuột dốc của giá DRAM sẽ còn kéo dài từ 1 đến 2 năm nữa. So với đợt giảm giá DRAM tương tự diễn ra trong hai năm 1997-1998, đợt giảm này tồn tại lâu hơn dự tính.

Thị trường đã có dấu hiệu dư thừa từ giữa năm 2007, nhưng chỉ đến quý III/2007 giá mới thực sự giảm. Hôm 19/3/2008, một chip DDR2 1Gb có tốc độ 667MHz chỉ có giá 1,92USD, DRAMeXchange Technology cho biết. Quý III/2007, Giá chip đạt đến đỉnh điểm vào ngày 12/7/2007 với mức giá 6,25USD. Như vậy, giá đã giảm 69%.

Chính các nhà sản xuất DRAM đã gây ra tình trạng hiện nay khi xây dựng thêm quá nhiều nhà máy mới do dự đoán cầu về DRAM dành cho PC sẽ tăng mạnh với sự xuất hiện của hệ điều hành Windows Vista bởi hệ điều hành này cần đến 1GB DRAM mỗi PC mới có thể hoạt động tốt, so với 128 MB đối với Windows XP. Nhưng Vista đã không thể cất cánh như mong đợi của các nhà sản xuất DRAM, và hậu quả là thị trường ngập tràn chip.

Tình trạng giảm giá nghiêm trọng trên thị trường DRAM khiến Gartner phải giảm dự đoán về tốc độ tăng trưởng thu nhập DRAM trên toàn cầu của năm 2008 từ 6,2% xuống còn 3,4%.

Phần lớn các nhà phân tích (như Matt Evans của CLSA, Do Hoon Lee của Macquarie Securities) đều tin rằng, giá chip sẽ chạm đáy trong quý II/2008 bởi đây là thời điểm thị trường PC hiu hắt nhất, mà phần lớn DRAM được dùng cho PC.

Trong phần lớn các ngành công nghiệp khác, tình trạng thừa hàng thường khiến các công ty cắt giảm sản lượng cho đến khi thị trường bình ổn trở lại. Nhưng với thị trường DRAM thì không như vậy. Các nhà sản xuất DRAM không muốn cắt giảm sản lượng do cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu và lo ngại để mất thị phần. Khi khủng hoảng tín dụng diễn ra, các công ty sẽ khó tìm được nguồn tài chính mới, vì thế các nhà sản xuất vẫn phải bán chip giá rẻ để đảm bảo lượng doanh thu đều đặn.


Gánh nặng của việc xây dựng thêm nhà máy DRAM cũng là một vấn đề. Mỗi nhà máy như vậy tiêu tốn khoảng 3 tỉ USD, và thường chạy hết công suất 24giờ/ngày. Công nghệ DRAM hiện tại phát triển nhanh đến mức các công ty phải liên tục nâng cấp dây chuyền sản xuất, khiến họ càng mất nhiều chi phí hơn. Do các công nghệ chip mới lỗi thời rất nhanh và giá trị của các dây chuyền cũng giảm nhanh không kém, nên các nhà sản xuất chip không muốn cắt giảm sản lượng dù thị trường đã dư thừa.

Nguồn: Internet