Chỉ số CPI 3 tháng qua đã giảm rõ rệt: CPI tháng 6 là 2,14%, tháng 7 là 1,13%, thấp nhất từ đầu năm đến nay. CPI  tháng 8 chỉ ở mức 1,56%. Một phần tác động ngắn hạn của tăng giá xăng dầu vẫn tiếp tục lan sang tháng 9 khi các doanh nghiệp cần thời gian nhất định để điều chỉnh sang mặt bằng giá mới, mức tăng CPI các tháng còn lại trong năm có thể nằm trong khoảng 1%-1,5%.

Nhập siêu giảm mạnh trong 2 tháng gần nhất: Nhập siêu tháng 6 là 1,3 tỷ USD, tháng 7 là 0,8 tỷ USD, thấp nhất từ đầu năm. Theo đánh giá, mục tiêu giữ nhập siêu cả năm ở mức 20 tỷ USD là có thể thực hiện được. Cơ cấu nhập trong tháng 7 cho thấy, các mặt hàng cần hạn chế đã giảm mạnh (ô tô, linh kiện ô tô, vàng…), trong khi vẫn duy trì nhập khẩu các mặt hàng trọng yếu phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Cán cân thanh toán có thu ròng và dự trữ ngoại tệ nhiều khả năng tiếp tục tăng, dự báo đạt khoảng 24 tỷ USD vào cuối năm so với mức 20,7 tỷ USD thời điểm giữa năm. Do đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục được dự báo sẽ ổn định ở mức 17.000 đồng/1 USD vào cuối năm.

Trong khi đó, diễn biến thị trường bắt đầu có dấu hiệu khả quan khi thanh khoản của thị trường đã được cải thiện đáng kể, tâm lý của các nhà đầu tư đã dần ổn định. Về tình hình thế giới, giá dầu thô giảm mạnh trong thời gian qua cũng là một thuận lợi.

Theo TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế quốc tế - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, những dấu hiệu tích cực kể trên tuy rất đáng vui mừng nhưng còn mong manh và mới là bước đầu. Vì nếu tính cả năm 2008, tỷ lệ lạm phát còn cao, áp lực về thanh khoản của ngân hàng vẫn gay go, nhập siêu cả năm vẫn cao, dẫn đến áp lực mất giá VND vẫn còn; đặc biệt trong môi trường “đô la hóa”, “vàng hóa” cao và lòng tin vào chính sách còn yếu như hiện nay. Nhìn tổng thể cả năm, mức độ bất cân xứng, bất ổn kinh tế vĩ mô còn khá lớn. Trong khi đó, tăng trưởng giảm thì những vấn đề xã hội như: thất nghiệp, nợ xấu, đình công có thể còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Vì thế, chúng ta vẫn phải rất kiên trì với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không thể chủ quan với một vài dấu hiệu vui vừa qua mà quá nới lỏng chính sách vĩ mô thì rất nguy hiểm.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, từ nay đến cuối năm còn một vấn đề rất khó xử là khoản tín dụng cho bất động sản trong năm ngoái. Theo thống kê sơ bộ con số này vào khoảng 135.000 tỷ. Sẽ có 2 giả định: Một là, thu lại số bất động sản ấy, đồng nghĩa với việc một loạt dự án bất động sản thất bại; Hoặc tiếp tục cho vay, như thế nguồn tiền đó sẽ không thu về các tổ chức tín dụng mà vẫn nằm trong lưu thông và cộng thêm phần tăng trong năm nay nữa thì khả năng giảm cung tiền trong lưu thông vẫn khó khăn.

Trong tình hình hiện nay, một vấn đề khác cũng cần phải tính tới là lạm phát do tâm lý. Bởi khi lòng tin của dân chúng xuống thấp sẽ là cơ hội tốt cho những tin đồn có dụng ý xấu, rồi đầu cơ lũng đoạn thị trường, gây bất ổn nền kinh tế. Tình trạng người dân dễ tin vào một vài tin đồn như thời gian qua (hết gạo, giá xăng tăng hay ồ ạt mua vàng, bất động sản…) là bằng chứng.

Theo Tiến sĩ, đằng sau tất cả điều này là câu chuyện về minh bạch hóa chính sách, cung cấp càng nhiều thông tin có phân tích cho dân chúng càng tốt, vì chỉ như vậy mới giúp họ ổn định tâm lý, có được lựa chọn tốt. Khi đó, luồng vốn sẽ thực sự đi vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng về hàng hóa và dịch vụ, vì những hoạt động thuần túy tài chính tạo ra giá trị gia tăng rất thấp (tài chính, ngân hàng đóng góp chưa đến 2% vào GDP). Điều này liên quan đến ứng xử chính sách của Chính phủ có tiên liệu được không, có nhất quán không. Sự phối hợp của các cơ quan Chính phủ trong cách phát biểu, cách truyền đạt thông tin cũng rất quan trọng.

(Báo Tiếng nói Việt Nam)

Nguồn: Vinanet