Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng còn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn trong năm tới như nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phần lớn vẫn phải nhập khẩu, tình trạng thiếu lao động, giá cả tăng, chưa chủ động trong thiết kế mẫu mã, năng suất lao động thấp so với các nước khác, chi phí đầu vào trên giá thành sản phẩm còn cao và sức cạnh tranh ngày càng gay gắt trên các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Dự báo xuất khẩu tới các thị trường chính như Mỹ sẽ đạt khoảng 6,1 tỉ USD (cao hơn so với mục tiêu 5,5 tỉ USD), trong khi xuất khẩu tới thị trường EU đạt khoảng 1,8 tỉ USD và thị trường Nhật đạt khoảng 800 triệu USD (bằng với mục tiêu đề ra). Nhìn chung, xuất khẩu dệt may tới EU và Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn vì gặp phải áp lực cạnh tranh cao hơn, nên cần chú trọng khai thác tối đa thị trường Mỹ.
Xuất khẩu tới thị trường Malaysia tăng trưởng cao
Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2008 có thể đạt đến 6,1 tỉ USD, tăng 33,8% so với năm 2007. Trong khi xuất khẩu của Mêhicô tiếp tục giảm và xuất khẩu của Ấn Độ tăng chậm. Việt Nam sẽ vượt qua Mêhicô và Ấn Độ để trở thành nước cung cấp lớn thứ 2 trên thị trường Mỹ sau Trung Quốc.
Việc thị trường Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc lại chủ động chuyển hướng sang thị trường EU, dự báo xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2008 sẽ tăng mạnh do chi phí và giá cả của hàng dệt may Việt Nam hầu hết là thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Việc một số nhà đầu tư nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng giải thích cho xu hướng này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có một số sản phẩm giá trung bình của Việt Nam đang cao hơn so với các nước nêu trên, đồng thời cao hơn khá nhiều so với sản phẩm của Mêhicô và Bangladesh, có thể sẽ làm mất ưu thế cạnh tranh của sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác để tăng mạnh xuất khẩu những sản phẩm đang có lợi thế về giá, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khi các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang EU.
Cho dù có thuận lợi khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng từ thị trường Mỹ sang thị trường EU, thì xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Mỹ vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Chương trình giám sát chống bán phá giá của Mỹ vẫn được áp dụng đối với hàng dệt may của Việt Nam (với năm nhóm hàng dệt may của Việt Nam gồm quần, áo sơ mi, đồ lót, đồ bơi và áo len) và có khả năng phía Mỹ sẽ duy trì cơ chế giám sát đặc biệt cho đến hết năm 2008. Để khắc phục trở ngại trên các doanh nghiệp dệt may cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, tránh nhận những đơn hàng đơn giản giá trị thấp làm ảnh hưởng đến mức giá bình quân của cả nước để phía Mỹ không khởi kiện chống bán phá giá.
Xuất khẩu tới thị trường EU và Nhật Bản sẽ gặp áp lực cạnh tranh lứon hơn
Xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường EU khó khăn khi EU bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc từ năm 2008. Điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào thế phải cạnh tranh gay gắt hơn với ngành dệt may Trung quốc. Trung Quốc lại có lợi thế về năng lực sản xuất lớn do chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất và có khả năng cung cấp nhiều phẩm cấp hàng hoá.
Số liệu thống kê cho thấy, nếu năm 2003 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chỉ đạt 537,1 triệu USD, đến năm2004 tăng lên mức 760 triệu USD, năm 2005 tiếp tục tăng lên mức 882,8 triệu USD, năm 2006 vượt qua ngưỡng 1 tỉ USD (đạt 1,244 tỉ USD), năm 2007 đạt 1,49 tỉ USD, tăng 19,74% so năm 2006. Trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của thị trường này liên tục tăng, đồng thời các sản phẩm dệt may của Việt Nam vẫn đang có được lợi thế cạnh tranh về giá, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam tới thị trường này có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng 20%/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỉ USD trong năm 2008.
Đối với thị trường Nhật Bản, hiện nay, sáu nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Thái Lan đã được hạ mức thuế quan xuống còn 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này vẫn đang phải chịu mức thuế khoảng 10%, điều này cũng sẽ tiếp tục đẩy các doanh nghiệp trong nước vào thế cạnh tranh khá căng thẳng với các nước trong khu vực khi xuất hàng sang thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu dệt của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản đã đạt 703,85 triệu USD trong năm 2007, tăng 12,1% với năm 2006. Như vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực cao để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tới thị trường này đưa kim ngạch xuất khẩu lên 800 triệu USD trong năm 2008, tăng 13,66% so với năm 2007.
(Thông tin thương mại Việt Nam)

Nguồn: Vinanet