Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định giá hầu hết các nông sản trên thị trường quốc tế đã tăng trong những tháng gần đây. Chỉ số giá lương thực - thực phẩm của FAO đã tăng 42 điểm tính từ tháng 6 tới tháng 11, đạt 205 điểm trong tháng 11, chỉ thấp hơn 8 điểm so với mức đỉnh cao hồi tháng 6/2008.

Xu hướng tăng kéo dài đó là do một số yếu tố, mà chủ yếu là triển vọng sản lượng nông sản kém khả quan ở những nước sản xuất chính, buộc họ phải giảm lượng dự trữ và kết quả làm làm khan hiếm cung trên toàn cầu, làm cho cung và cầu tiến sát với nhau trong niên vụ 2010/11.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới thị trường là đồng USD giảm giá từ giữa tháng 9, góp phần đẩy tăng giá hầu như toàn bộ các hàng hoá nông sản cũng như phi nông sản giao dịch.

Giá hàng nông sản tăng trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2010 khiến chi phí nhập khẩu tăng trên toàn thế giới, lên sát mức đỉnh cao của năm 2008.

FAO ước tính chi phí nhập khẩu thực phẩm trên thế giới năm 2010 tăng 15% lên 1,026 nghìn tỷ USD, gần mức 1,031 nghìn tỷ USD thời khủng hoảng lương thực năm 2008.

Theo Tổ chức nông lương Liên hợp Quốc (FAO), chi phí nhập khẩu thực phẩm trên khắp thế giới có thể vượt 1 nghìn tỷ USD trong năm 2010, sát mức kỷ lục vào năm khủng hoảng lương thực 2008 do giá hàng hóa tăng cao.

Sức ép về giá được nhận thấy rõ rệt nhất ở thị trường ngũ cốc, nhất là lúa mì và lúa mạch, trong tháng 8 vừa qua.
Việc giá ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và lúa mạch tăng cao gây áp lực lên thị trường thịt.

Chỉ số giá thịt của FAO đã tăng 15 điểm trong 11 tháng đầu năm 2010, từ 124 lên 139.

Mậu dịch thịt toàn cầu năm 2010 ước tính tăng 2,8% lên 26,1 triệu tấn, trong đó mậu dịch cả 3 loại thịt lợn, bò và gia cầm đều tăng, nhất là thịt lợn. Tuy nhiên, trong trường hợp thịt gia cầm, việc nhập khẩu tăng từ Châu Á cũng chỉ đủ để bù lại cho nhập khẩu vào Liên Bang Nga giảm 15% (năm 2009 Liên Bang Nga đã nổi lên thành nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc).

Chỉ số giá sữa tăng 6 điểm trong 11 tháng đầu năm, từ 202 lên 208. Giá các sản phẩm sữa trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao, nhất là bơ - mặc hàng có giá cao kỷ lục trong lịch sử vào tháng 10. Nhu cầu mạnh từ các nước Châu Á và Liên Ban Nga đã làm tăng mậu dịch sữa lên mức kỷ lục cao trong lịch sử vào năm 2010, với nhu cầu được đáp ứng chủ yếu bởi xuất khẩu từ Niu Dilân và Mỹ.

FAO dự báo sản lượng sữa toàn cầu năm 2010 đạt 710,1 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm trước. Sản lượng ở những nước phát triển được dự báo tăng khoảng 1%, trong khi ở những nước đangphát triển tăng khoảg 2,4%. Tiêu thụ trung bình người ở các nước phát triển ước tăng 1kg trong năm 2010, từ mức 66,4 lên 67,5 kg, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Châu Á.

Đối với thuỷ sản, thông tin mới nhất cho thấy 2 năm sau khi suy giảm mạnh vào cuối năm 2008, giá thuỷ sản ở tháng 9/2010 chỉ thấp hơn 1% so với mức đỉnh cao của tháng 9/2008, với giá thuỷ sản nuôi thả tăng 11,6% trong khi giá thuỷ sản khai thác giảm 10%. Theo chỉ số giá thuỷ sản của FAO, giá từ tháng 1 tới tháng 9/2010 trung bình cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà sản xuất thủy xuất khẩu đã giảm mạnh lượng nuôi thả từ cuối năm 2008 tới hết năm 2009, và điều đó đã ảnh hưởng tới sản lượng. Trong khi đó, nhu cầu ở nhiều thị trường đang phát triển lại hồi phục, nhất là ở Châu Á và Nam Mỹ. Nhu cầu của các nước đang phát triển đối với thủy sản nuôi thả đang tiếp tục tăng nhanh, và giá nhiều sản phẩm như tôm, cá tra, cá basa, cá rô phi và cá hồi đều tăng mạnh trong năm 2010. Đối với thuỷ sản đánh bắt tự nhiên, bức tranh về giá năm 2010 đa dạng, với một số loại bị ảnh hưởng về giá bởi sản lượng tăng, trong khi nhiều sản phẩm khác có nguồn cung giảm thì giá tăng mạnh.

Triển vọng thị trường lương thực, thực phẩm đầu năm 2011 sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá và mậu dịch, với nhu cầu vững ở hầu hết các thị trường và nguồn cung cũng tương đối ổn định.

(Vinanet)