(VINANET) – Phiên giao dịch cuối tuần 8/10 giá hàng hoá đồng loạt giảm nhẹ, song tính chung trong tuần đầu thán 10 giá tăng mạnh nhất trong vòng 3 tháng. Các thị trường hàng hoá đang trong tình trạng giao dịch bất ổn, với vấn đề nợ công châu Âu tiếp tục đè nặng lên tâm lý các nhà kinh doanh, cản trở đà phục hồi sau quý 3 giảm mạnh.

Việc Italia và Tây Ban Nha bị hạ bậc tín nhiệm cho thấy tình hình châu Âu ngày càng tồi tệ, át đi những thông tin tích cực từ phía Mỹ như thị trường việc làm tháng 9 khả quan hơn dự kiến.

Việc Fitch hạ bậc tín nhiệm của hai cường quốc eurozone khiến đồng euro tếp tục giảm giá mạnh so với USD, và ảnh hưởng tới cả giá vàng, ngũ cốc xăng và cà phê - những mặt hàng giao dịch bằng đồng USD.

Tuy nhiên, dầu và đồng – hai trong số những mặt hàng công nghiệp quan trọng nhất - lội ngược dòng tăng giá, cho thấy thông tin tích cực từ kinh tế Mỹ có tác động chủ đạo lên hai hàng hoá này.

Chỉ số 19 nguyên liệu Reuters-Jefferies CRB index tuần qua tăng 1,8% - mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 7.

CRB đã giảm 12% trong quý 3, là lần giảm mạnh nhất kể từ 2008.

Dầu thô phiên cuối tuần tăng 0,5% hay 39 US cent lên 82,98 USD/thùng. Tính chung trong tuần dầu đã tăng giá 3,78 USD - gần 5% - mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 3.

Tuần qua thị trường dầu mỏ đảo chiều liên tục, giảm sâu xuống mức thấp trong vòng 12 tháng qua, rồi lại đột ngột đảo chiều tăng mạnh và sau đó duy trì đà đi lên cho tới cuối tuần.

Đóng phiên đầu tuần (3/10) giá dầu ngọt nhẹ New York đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây (77,61 USD/thùng đối với dầu WTI và 101,71 USD/thùng đối với dầu Brent) do đồng USD mạnh lên thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời trong bối cảnh thị trường gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lòng tin của giới kinh doanh trên thị trường dầu mỏ ngày càng sa sút sau khi bộ trưởng tài chính các nước Eurozone một lần nữa nhất trí hoãn đưa ra các quyết định liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ thứ 6 trị giá 8 tỷ euro cho Hy Lạp, đồng thời yêu cầu nước này phải tăng cường hơn nữa các biện pháp kinh tế khắc khổ và siết chặt hơn các khoản chi tiêu ngân sách trong hai năm 2013 và 2014.

Theo các chuyên gia, trên thị trường dầu mỏ đang diễn ra hoạt động bán tháo cùng lúc với sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ khi "đồng bạc xanh" mạnh lên. Giá dầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trước những lo lắng của giới đầu tư liên quan đến sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và châu Âu, khiến giới đầu tư chọn mua vào các tài sản có độ an toàn cao, trong đó có đồng USD, mà bỏ qua dầu mỏ.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu ít nhiều bớt căng thẳng trước thông tin Tập đoàn dầu khí OMV của Áo đã nhận lô dầu mỏ đầu tiên 575.000 thùng dầu từ Libya.

Theo OMV, sản lượng dầu của Libya sẽ trở lại mức trước nội chiến trong vòng 12-18 tháng tới. Thêm vào đó, Irắc cho biết sản lượng dầu thô trong nước hiện ở mức 2,9 triệu thùng/ngày và sẽ tăng lên mức 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Giá dầu tiếp tục giảm sâu vào phiên 4/10, trong bối cảnh triển vọng về tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng trở nên ảm đạm và những lo ngại gia tăng về nguy cơ sụp đổ nền tài chính toàn cầu, tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư. Trong hiên giao dịch này, dầu WTI giảm xuống 75,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 24/12/2010, và giá dầu Brent Biển Bắc hạ xuống 99,79 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng kể từ đầu tháng 2/2011.

Bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, thị trường cổ phiếu lao dốc, đánh giá thiếu lạc quan của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke về tình hình kinh tế Mỹ cũng như thông tin về cuộc bạo loạn của dân Hồi giáo dòng Shiite ở tỉnh phía Đông Arập Xêút, nơi tập trung hầu hết các mỏ dầu của nước này, càng gây thêm bất lợi cho thị trường dầu mỏ và dìm giá dầu xuống sâu hơn.

Nhưng rồi giá dầu lại bất ngờ tăng mạnh trong phiên 5/10 với mức tăng 4,01 USD cho dầu ngọt nhẹ New York và 2,94 USD cho dầu Brent biển Bắc theo sau đà khởi sắc của các sàn chứng khoán và kho dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm ngoài dự kiến (giảm 4,7 triệu thùng so với dự báo 700.000 thùng).

Biên độ gia tăng của giá dầu càng được nới rộng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh loan báo sẽ bơm tiền để cứu các ngân hàng thương mại đang thiếu tiền mặt trầm trọng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone. Nhờ đó đóng phiên 6/10 giá dầu ngọt nhẹ New York tăng thêm 2,91 USD lên 82,59 USD/thùng, còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 3 USD lên 105,73 USD/thùng.

Thị trường vẫn duy trì được đà đi lên cho tới phiên cuối tuần, nhưng với mức tăng nhẹ, cho dù có tin sản lượng dầu mỏ của Libya đã tăng lên trên mức 350.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá hiện nay của dầu mỏ chỉ là ngắn hạn bởi triển vọng kinh tế Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vẫn còn mờ mịt.

Chuyên gia Rich Ilczyszyn từ MF Global dự báo giá dầu ngọt nhẹ New York có khả năng dao động trong khoảng 75-85 USD/thùng.

Đồng tuần qua tăng giá mạnh nhất trong vòng 6 tháng, với đồng tại London tăng 2%, hay 150 USD trong phiên cuối tuần lên 7.375 USD/tấn. Tính chung trong tuần, đồng cũng tăng giá gần 5% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.

Giá vàng tuần qua tăng lần đầu tiên trong vòng 5 tuần, bất chấp sự trồi sụt theo sau mối lo khủng hoảng nợ công châu Âu có nguy cơ lan rộng và làn sóng bán tháo để bù đắp thiệt hại từ đầu tư chứng khoán.

Phiên 3/10 giá vàng kỳ hạn tại New York bất ngờ tăng 35,4 USD (2,2%) lên 1.657,7 USD/ounce, sau khi Chính phủ Hy Lạp cho biết có thể không thực hiện được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay như đã cam kết.

Nhưng ngay phiên sau đó giá vàng lại bất ngờ sụt tới 41,7 USD (2,5%) xuống 1.616 USD/ounce, do giới đầu tư vội vã bán vàng ra chốt lời để bù đắp thua lỗ chứng khoán.

Lý giải cho sự xuống dốc đó các chuyên gia phân tích cho rằng vàng đã bị bán tháo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke, cảnh báo trước Quốc hội rằng đà hồi phục của kinh tế Mỹ rất bấp bênh, tình trạng thất nghiệp đáng lo ngại hơn lạm phát và cần phải tung ra gói QE3.

Những diễn biến trái ngược trên thị trường vàng cho thấy sự biến động thất thường của giá vàng trong những phiên gần đây, do vai trò thiếu chắc chắn của kim loại quý này trên thị trường tài chính, cho dù giới đầu tư vẫn canh cánh nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.

Đầu tháng trước giá vàng đã vọt lên mức cao lịch sử khoảng 1.920 USD/ounce, khi đồng euro mất giá mạnh do những nghi ngại của giới đầu tư về khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Tuy nhiên, sau đó giá vàng đã nhanh chóng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng là 1.532,75 USD/ounce khi giới đầu tư bán tháo vàng để bù đắp thua lỗ trên thị trường chứng khoán.

Theo giới phân tích, thời gian qua đà tăng của vàng đã bị chặn lại bởi những nhân tố chính hỗ trợ giá vàng đã sụp đổ.

Trước hết, nhu cầu vàng như là phương tiện bảo đảm trong tình hình lạm phát đã giảm xuống khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và giá các hàng hóa khác sụt giảm.

Tiếp đến, lòng tin của các nhà đầu tư trở lại với đồng USD đã làm giảm nhu cầu vàng với tư cách là phương tiện bảo đảm khi đồng USD suy sụp. Với sự chán nản những tài sản có tính thanh khoản cao nhất trong những thời khắc bất ổn như hiện này, các nhà đầu tư đang hướng tới đồng USD và trái phiếu Mỹ, một trong những phương tiện đầu tư được trao đổi nhiều nhất trên thế giới. Về mặt này, vàng có tính thanh khoản thấp hơn. Điều này đặc biệt đúng sau khi thị trường giao dịch kỳ hạn lớn nhất thế giới CME (Mỹ) nâng tỷ lệ ký quỹ bắt buộc lên 21%. Với việc tỷ lệ này tăng lần thứ ba trong hai tháng qua, các nhà đầu cơ giờ đây phải trả tới 11,475 USD cho mỗi ounce để mở tài khoản đầu tư vàng.

Rồi sau đó giá vàng lại đảo chiều tăng 25,6 USD lên 1.641,6 USD/ounce tại New York vào phiên 5/10 khi thị trường trở lại mối quan hệ truyền thống là khi đồng USD yếu đi, giá vàng lại tăng.

Tâm lý lạc quan của thị trường về khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã khiến đồng USD xuống giá phiên thứ hai liên tiếp và đã tới lúc giá vàng phục hồi sau giai đoạn bị điều chỉnh bởi đồng USD mạnh.

Được khích lệ bởi thông tin trong tháng tới Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ chi 40 tỷ euro để mua lại các trái phiếu có đảm bảo và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ bơm 75 tỷ bảng vào nền kinh tế, giá vàng đã nhích thêm 11,6 USD lên 1.653,2 USD/ounce vào cuối phiên 6/10. Tuy vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp, khối lượng giao dịch của vàng kỳ hạn vẫn duy trì ở mức khá thấp, chỉ bằng 55% so với mức bình quân 30 ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 6 đến nay bởi những biến động thất thường của giá vàng gần đây đã làm giới đầu tư giảm bớt hào hứng tham gia thị trường.

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường vàng thường được hưởng lợi từ tính thanh khoản của ngân hàng trung ương. Việc một lượng lớn tiền được bơm vào để tạo tính thanh khoản sẽ làm cho các đồng tiền giấy giảm bớt giá trị, do đó làm tăng nhu cầu về vàng như là tài sản thay thế.

Đáng tiếc là động thái bán vàng ra để lấy tiền bù đắp thiệt hại trên các sàn chứng khoán một lần nữa tái diễn trong phiên cuối tuần 7/10, sau động thái đánh tụt hạng tín nhiệm của Italy và Tây Ban Nha của Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, đã làm giá vàng giảm khoảng 1%.

Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tại New York lùi về 1.633,69 USD/ounce sau khi có lúc chạm tới 1.665,99 USD/ounce trong phiên. Còn giá vàng giao tháng 12/2011 hạ 17,40 USD còn 1.635,80 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá vàng giao ngay tăng khoảng 0,7%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong vòng 5 tuần qua nhờ nhu cầu tăng trở lại sau đợt giảm tới 20% từ mức đỉnh 1.920,30 USD/ounce vừa được xác lập đầu tháng 9.

Tập đoàn tài chính Credit Suisse vừa nâng triển vọng giá vàng năm 2012 từ 1.540 USD/ounce theo dự báo trước lên 1.850 USD/ounce.

Theo Credit Suisse, giá vàng chắc chắn được lợi từ sự bất ổn trên các thị trường tài chính. Do vậy kim loại quý này sẽ còn tăng giá, nếu khủng hoảng còn tiếp diễn.

Nhà phân tích Ong Yi Ling từ Phillip Futures cũng nhận định giá vàng sẽ vẫn giữ vững xu hướng tăng trong dài hạn và ngay trong năm tới có khả năng chinh phục đỉnh 2.000 USD/ounce.

Các nhà phân tích tiên đoán thị trường hàng hoá sẽ còn biến động mạnh hơn nữa trong tuần thứ 2 của thán 10, bởi căn bệnh của eurozone ngày càng nặng, có thể khiến nhiều quốc gia nữa bị hạ bậc tín nhiệm.

Thị trường đang dõi theo những thông tin từ phương Tây. Việc ngày càng nhiều nước eurozone bị hạ bậc tín nhiệm đồng nghĩa với những ngân hàng khu vực nắm giữ nhiều phiếu ghi nợ của những quốc gia ấy cũng bị hạ bậc tín nhiệm theo.

Thị trường chưa thể có một xu hướng giá rõ rệt vào lúc này.

Diễn biến giá hàng hoá

Hàng hóa

ĐVT

Giá 8/10

Giá 1/10

+/- (% so theo năm)

Dầu thô WTI

USD/thùng

82,98

78,70

 -9,2%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

105,90

102,45

 11,8%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

3,481

3,666

-21,0%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1635,80

1622,30

 15,1%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1637,39

1622,29

 15,4%

Đồng Mỹ

US cent/lb

 327,35

 323,60

-26,4%

Đồng LME

USD/tấn

 7368,80

 7018,50

-23,2%

Dollar

 

 78,695

 78,745

 -0,4%

CRB

 

303,520

298,150

 -8,8%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

600,00

592,50

 -4,6%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1158,25

 1179,00

-16,9%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

607,50

609,25

-23,5%

Cà phê Mỹ

 US cent/lb

 224,35

 228,90

 -6,7%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2652,00

2608,00

-12,6%

Đường Mỹ

US cent/lb

25,16

26,34

-21,7%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 30,993

 30,085

0,2%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1489,00

1519,40

-16,3%

Palladium Mỹ

USD/ounce

 585,85

 633,80

-27,1%

(T.H – Tổng hợp từ Reuters)