Giá tăng liên tục
Từ đầu năm đến nay, giá TĂCN trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo giới kinh doanh, giá TĂCN sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều tăng mạnh kể từ khi dịch bệnh trên trên gia súc, gia cầm từng bước được khống chế.
Hiện hầu hết các sản phẩm TĂCN đang bán trên thị trường đều tăng từ 20 - 30%. Trong đó tăng nhiều nhất là các hãng D3, DH, CP, Cargill, Con Cò… từ 10.000 đến 30.000 đồng /bao, tùy từng loại. Cụ thể, thức ăn D3 dành cho vịt đẻ hiện có giá 250.000 đồng /bao 40kg, tăng 30.000 đồng; cho gà thịt có giá 260.000 đồng /bao 40 kg, tăng 30.000 đồng. Thức ăn Cargill dành cho heo giống có giá 200.000 - 235.000 đồng /bao 25 kg, tăng 20.000- 25.000 đồng; thức ăn CP cho heo thịt giá 180.000 - 220.000 đồng /bao 20kg, tăng 20.000 - 30.000 đồng…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá nguyên liệu tăng mạnh. Trong đó, giá bã đậu nành (chiếm 40% nguyên liệu chế biến) tăng gần 100%, bắp (chiếm 30-40%) tăng 14%, bột cá 30 - 40%; giá các nguyên phụ liệu như lysine, bột xương thịt, bột huyết tương, bột mì… cũng đều "phi mã". Theo tính toán, mức tăng bình quân của nguyên liệu sản xuất TĂCN khoảng 30 - 35%. Bên cạnh đó, do tác động của giá xăng dầu trong thời gian qua khiến phí vận chuyển của các công ty sản xuất cũng leo thang.
Dự kiến, trong tháng 6 giá TĂCN sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng tăng dần.
Người chăn nuôi thêm khó
Chi phí thức ăn tăng, trong khi giá bán gia súc, gia cầm vẫn dậm chân tại chỗ, điều này khiến người chăn nuôi càng thêm lao đao. Giá thức ăn cho lợn tăng bình quân 20 - 30% so với trước đây, trong khi giá lợn hơi chỉ tăng cầm chừng. Chưa kể các loại vắc -xin, thuốc thú y đã tăng giá khoảng 20% so với cuối năm 2007.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, bình quân hàng năm ngành chăn nuôi trong nước cần đến 9 triệu tấn thức ăn các loại. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa được 1/3 nhu cầu. Điều này cho thấy, giá TĂCN tiếp tục tăng là nguy cơ có thật. Mặc dù ngành chức năng đã có một số giải pháp nhằm kiềm chế giá TĂCN như cắt giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu (bột mì từ 10% xuống 0%; đậu hạt các loại từ 5 - 7% xuống 0%); đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với sắn, ngô, đậu tương; tìm kiếm nguồn nguyên liệu TĂCN mới... nhưng xem ra vẫn chỉ như "đá ném ao bèo". Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp cần tính toán sao cho hợp lý để khi có biến động, bà con vẫn yên tâm sản xuất mà không phải nơm nớp lo chuyện lỗ lãi.
(KTDT)

Nguồn: Vinanet