Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc khẳng định đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa được phép tăng giá thì tại thị trường bán lẻ ở TPHCM, giá thuốc đã "nối gót" giá USD tăng liên tục.
Tại TPHCM, giá thuốc đã tăng nhiều ngày qua, các loại thuốc Furosemid, tăng từ 5 đến 10%, trong khi thuốc Nifedipine hay Amlor mỗi loại tăng từ 5-10.000 đồng/hộp.
Thuốc Panadol Extra tăng 10.000 đồng/hộp, thuốc điều trị huyết áp Exfort của Pháp nhảy vọt từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng/hộp 28 viên. Thuốc nhỏ mắt, các loại dầu gió tăng gần 50%.
Tại khu vực chợ dược Tô Hiến Thành, quận 10, nhiều mặt hàng thuốc kháng sinh cũng bắt đầu tăng giá với mức tăng trung bình khoảng 10%. Nhiều loại thuốc như Clorocid 400 mg, Cefalexin 500 mg, Amoxicilin 500 mg, Lincomycin 500 mg, Ampicilin 500 mg trong 3 ngày qua các nhà thuốc đã "đôn" giá lên với lý do tỷ giá tăng cao.
Chiều 16-2, giá thuốc tại các nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng và khu chợ dược Tân Định, quận 1, nhiều loại thuốc cảm sốt, kháng sinh cũng tăng 3-12%.
Tự tung
Giám đốc một công ty dược ở Bình Dương chuyên phân phối các mặt hàng của công ty dược Novartis cho biết, mặc dù giá đô la Mỹ tăng trong những ngày qua, nhưng nhiều mặt hàng xin điều chỉnh giá vẫn chưa được cơ quan chức năng cho phép. Vì vậy, việc tăng giá vẫn chưa thể thực hiện.
PGS Phạm Khánh Phong Lan- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng khẳng định, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp dược nào gửi công văn xin điều chỉnh tăng giá thuốc. Thậm chí có doanh nghiệp xin được giảm giá thuốc, vì vậy việc vin theo tỷ giá để tăng giá thuốc là không đúng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ sở bán lẻ đã tự ý tăng giá với lý do đơn vị phân phối yêu cầu tăng.
Giám đốc Cty TNHH kinh doanh dược phẩm H.T ở quận 10 cho rằng, đã có hiện tượng té nước theo mưa ở các hệ thống bán lẻ.Cũng không loại trừ một số doanh nghiệp dược đã âm thầm tăng giá theo kiểu cầm đèn chạy trước ô tô hoặc tự tăng ngầm với các cơ sở bán lẻ mà cơ quan chức năng không phát hiện được.
Theo Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam, trong tháng 1-2011, qua khảo sát 53 cơ sở trong cả nước, thấy có 21 cơ sở có điều chỉnh giá thuốc. Trong 8.704 lượt mặt hàng thuốc nội và ngoại được khảo sát, có tới 116 lượt mặt hàng tăng giá với mức tăng trung bình 6,1%. Dự báo trong tháng 2-2011, giá thuốc sẽ tăng khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng.
 

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày