Nỗi lo Chính phủ Mỹ sẽ phải ngưng hoạt động do thiếu ngân sách, chiến sự dai dẳng ở Trung Đông, Bắc Phi và nợ công đeo bám châu Âu đã khiến giá vàng tương lai phiên hôm qua lao vút lên kỷ lục mới.

Giá vàng giao tháng 6 tăng mạnh 19,5 USD/ounce, tương đương 1,4%, lên 1.452,5 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Trong phiên, có lúc, vàng kỳ hạn này vọt tới mốc 1.455,5 USD/ounce, vượt xa mức đỉnh 1.448,6 USD/ounce xác lập trong ngày 24/3. Vàng giao ngay trên sàn Kitco cũng tăng mạnh gần 20 USD, tương đương 1,4%, lên sát 1.454 USD/ounce.

Các kim loại quý khác cũng đồng loạt lên giá mạnh. Giá bạc tăng 1,8%, lên 39,12 USD/ounce, mức chốt cao nhất trong 31 năm qua. Giá bạch kim tăng 0,4%, lên 1.787 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 0,9%, lên 786,2 USD/ounce.

Ngoài những vấn đề địa chính trị trên thế giới, nhà đầu tư hôm qua còn đổ xô mua vàng tích trữ xuất phát từ những lo ngại rằng Chính phủ Mỹ sẽ hết tiền hoạt động vào ngày 8/4 tới, nếu lưỡng đảng không đạt được thỏa thuận về ngân sách liên bang, chuyên gia chiến lược thị trường Adam Klopfenstein thuộc hãng Lind-Waldock ở Chicago, cho hay.

Việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tuyên bố cần theo dõi sát sao vấn đề lạm phát, cũng khiến giới đầu tư nghĩ ngay tới khả năng lạm phát tăng cao tại Mỹ thời gian tới và tăng mua vàng tích trữ. Trong bối cảnh lạm phát cao, vàng luôn được coi là lựa chọn tối ưu của giới đầu tư.

Tuyên bố của ông Bernanke cũng là một nhân tố giúp đồng USD lên giá mạnh so với Euro trong phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á. Tại Singapore chiều qua, 1 Euro đổi được 1,4201 USD, giảm so với 1,4220 USD lúc đóng cửa phiên trước tại New York. So với Yên Nhật, USD cũng tăng từ 84,03 Yên lên 84,32 Yên.

Trong phiên này, đồng bạc xanh còn tăng giá so hầu hết các đồng tiền châu Á khác như đồng Peso (Philippines), đồng Won (Hàn Quốc), đồng TWD (Đài Loan), đồng SGD (Singapore) và đồng Rupiah (Indonesia), nhưng lại xuống giá so với đồng Baht (Thái Lan).

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới giá vàng là việc tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s cho rằng, gói cứu trợ dành cho Bồ Đào Nha “là điều chắc chắn xảy ra” cũng là một tác nhân đẩy giá vàng và bạc tăng vọt, nhà phân tích Jeffrey Clark thuộc hãng nghiên cứu Casey nhận định.

Trước đó, Moody’s đã mạnh tay hạ bậc xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha, do lo ngại quốc gia này khó có thể đạt được các mục tiêu cắt giảm nợ nần. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Bồ Đào Nha sẽ trở thành quốc gia thứ 3 ở châu Âu chìa tay xin cứu trợ để giải quyết bài toán nợ công.

Tin tức về việc Trung Quốc thắt chặt hơn chính sách tín dụng cũng ít nhiều góp phần làm giá vàng leo mạnh hơn. Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, nhằm thắt chặt chính sách, kiềm chế lạm phát.

Trung Quốc đã tăng lãi suất lần thứ 4 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để kiềm chế lạm phát và hạn chế nguy cơ bong bóng tài sản. Theo đó, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên 6,31% từ 6,06%, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Lãi suất tiền gửi kì hạn 1 năm cũng tăng từ 3% lên 3,25%.

Theo Vneconomy