Có thể thấy những yếu tố tiềm năng để có thể gia tăng được quy mô trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, đây là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam trong thời gian qua với thị trường còn hết sức rộng lớn và không quá khó để thâm nhập.
Thứ hai, mặt hàng nhựa của Việt Nam hiện đang được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao, tiếp cận được với công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận. Vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm còn khá hạn chế. Hiện nay, khó khăn, thách thức đối với ngành nhựa chủ yếu là nguyên liệu đầu vào và khuôn mẫu. Do vậy, nếu có thể giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng được những đơn hàng lớn, mặt hàng nhựa của Việt nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu với qui mô lớn do nhu cầu của thế giới về mặt hàng này rất cao (năm 2006 ở mức trên 220 tỉ USD và tăng trưởng bình quân trên 7%/năm).
Về thị trường: bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường nhập khẩu chủ yếu sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Đài Loan, Philippine, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Malaysia, cần tiếp cận tới thị trường các nước thành viên mới của EU như Lithuania, CH Séc, Estonia, Hungary, Ba Lan và các nước châu Phi, Trung Đông.
Một số giải pháp cụ thể:
Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch phát triển ngành nhựa từ nay đến năm 2010. Theo đó, nước ta sẽ xây dựng được 10 nhà máy sản xuất nguyên liệu thô và bán thành phẩm nhựa, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành, phấn đấu trong vòng 10 năm tới, tổng mức sản phẩm toàn ngành nhựa sẽ đạt 3.850.000 tấn, doanh số từ 1,5 tỉ USD hiện nay tăng lên 7 tỉ USD.
Đầu tư thiết bị chế tạo khuôn mẫu để sản xuất nhiều sản phẩm kỹ thuật phục vụ công nghiệp, nông nghiệp nhằm thay thế vật liệu tự nhiên. Nghiên cứu, sản xuất, chế tạo những vật liệu mới, chất lượng cao mà Việt Nam chưa có để thay thế hàng nhập khẩu.

Nguồn: Vinanet