Năm 2008 cũng như tới đây là thời điểm thị trường dệt may thế giới có nhiều biến động, chứng kiến sự chuyển dịch của thị trường sang những xu hướng mới một cách rõ rệt. Các nước Nam Á và Đông Nam Á nổi lên thành nguồn cung quan trọng đối với các khách hàng Mỹ, EU. Nhập khẩu hàng dệt may của cả Mỹ và EU từ các nước sản xuất giá rẻ ở châu Á đều tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên từ cuối năm 2008 và bước sang năm 2009, dệt may Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.
 
Làm gì để ngành dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và lựa chọn những giải pháp nào phù hợp cho sự phát triển tăng trưởng đó là nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo.

Với chủ đề “Phát triển ngành dệt may Việt Nam sau hai năm gia nhập WTO và những giải pháp phát triển để tăng tốc”, các đại biểu đại diện cơ quan Chính phủ, Bộ ngành, các chuyên gia nghiên cứu và các doanh nghiệp đều có nhận định đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để ngành dệt may phát triển nếu biết tận dụng và nhìn nhận thách thức, khó khăn đó theo hướng tích cực và bắt nắm kịp thời những xu hướng mới của thị trường dệt may thế giới.

Theo đại diện của Hiệp hội Dệt May Việt Nam: để phát triển ngành dệt may cần xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự đánh giá môi trường kinh doanh quốc tế sau năm 2005 (năm chế độ quota được dỡ bỏ trên phạm vi toàn thế giới) và phân tích SWOT của ngành một cách cụ thể chi tiết. Việt Nam gia nhập WTO có điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các rào cản thương mại được dỡ bỏ, nhưng đổi lại Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế và các hàng rào bảo hộ khác… Vì thế, sản xuất kinh doanh hàng dệt may phải đối mặt và tìm cách thách ứng với những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Tuy những năm qua ngành dệt may đã phát huy được nhiều lợi thế song còn nhiều hạn chế như công nghiệp dệt và phụ trợ còn yếu dẫn đến 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu; kỹ năng quản lý sản xuất, kỹ thuật còn kém, phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu… Các doanh nghiệp chưa nhận thức hết những thách thức khó khăn, áp lực cạnh tranh khi hội nhập nên chưa có sự chuẩn bị tốt. Để tăng tốc phát triển ngành dệt may cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao về quản lý, kỹ thuật, công nghệ, thiết kế thời trang…; xây dựng quan hệ lao động hài hòa; tăng cường hợp tác với nước ngoài.

Làm thế nào để trụ vững và phát triển tại thị trường Mỹ- thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam- và vượt qua những khó khăn rào cản từ cơ chế giám sát, nguy cơ chống bán phá giá, theo ông Ninh Xuân Diện- Tạp chí hoạt động khoa học: Cần phải thúc đẩy sớm để đạt được những việc Mỹ áp dụng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường nước này; hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hợp tác với Mỹ về Chương trình giám sát hàng dệt may của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác về hải quan; mở mang các cơ quan hỗ trợ các DN Việt Nam tại Hoa Kỳ; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại…

Xuất khẩu hàng dệt may, mà phần lớn là hàng may mặc gia công nên việc quản lý, giám sát của cơ quan hải quan cũng cần hiểu biết rõ và nắm bắt được “lộ trình” là rất cần thiết đối với các DN trong ngành. Để hỗ trợ và làm tốt công tác phục vụ doanh nghiệp, ông Nguyễn Toàn- Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục hải quan đã thông tin tới doanh nghiệp những cải cách của cơ quan hải quan và đưa ra những khuyến cáo, những quy định mới sẽ được áp dụng trong nay mai, như triển khai thực hiện các nguyên lý của quản lý rủi ro vào hoạt động quản lý hải quan đưa vào sử dụng máy soi container; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp phá,p tăng cường hợp tác hải quan và doanh nghiệp…

Nhìn lại chặng đường sau hai năm gia nhập WTO và đánh giá tác động hội nhập tại hội thảo, với những kiến nghị và đề xuất các giải pháp, chính sách quản lý nhà nước được đưa ra, hy vọng sẽ là những động lực để ngành dệt may nâng cao sức cạnh tranh và tăng tốc phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nguồn: Vinanet