Thêm vào đó là ký kết của Trung Quốc với Argentina trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 khiến dư luận đặt câu hỏi có phải đồng đô la đã đến thời lâm chung.
Ngày 29.3, Trung Quốc và Argentina ký thoả thuận trao đổi tiền tệ, trị giá khoảng 10 tỉ USD. Theo thoả thuận, các nhà nhập khẩu Argentina sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ, thay đồng đô la Mỹ, để thực hiện các hợp đồng mua bán với Trung Quốc. Thoả thuận này giúp đồng nhân dân tệ và đồng tiền ở khu vực Mỹ La tinh tăng tính thanh khoản, tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Argentina là quốc gia thứ năm, sau Hàn Quốc, Malaysia, Belarus và Indonesia ký thoả thuận như thế với Trung Quốc. Ký kết này do ông Chu Tiểu Xuyên thực hiện với người đồng cấp của Argentina.
Một tuần trước, cũng chính ông Chu Tiểu Xuyên viết bài trên web của ngân hàng trung ương Trung Quốc kêu gọi quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) mở rộng việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) và biến nó thành “đồng tiền dự trữ siêu chủ quyền”, thay thế đồng đô la. (mời xem SGTT số ra ngày 27.3, trang 34 – 35).
Trung Quốc và Nga đưa ra đề nghị thay thế đồng đô la đúng thời điểm, buộc thế giới phải suy nghĩ đến nó. Nhiều nước mới nổi khác cho rằng cuộc khủng hoảng lần này chính hiệu “made in USA” nên tiếng nói của Mỹ không còn đủ mạnh trong cuộc họp lần này. Do đó đây là thời điểm tốt để các nước mới nổi như Trung Quốc lên tiếng.
Nhưng dường như đề nghị trên thiếu “địa lợi và nhân hoà” vì trên thực tế không nhà lãnh đạo nào của G20 muốn làm căng thẳng thêm thị trường tài chính thế giới bằng những thay đổi lớn như thế.
Ông Dominique Strauss-Kahn người đứng đầu IMF nói: “Các nước giàu phải lui bước, chừa chỗ cho các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, đó không phải là một trận đấu có thể phân định thắng thua trong hai giờ, mà nó chỉ có thể khởi động từ hội nghị G20”. Kỳ họp G20 lần này nhiều lắm chỉ cho thấy tốc độ chuyển đổi quyền lực từ nền kinh tế do Mỹ dẫn đầu sang các nền kinh tế mới nổi, khó có được kết quả về chuyện thay đồng đô la Mỹ trong thanh toán và dự trữ quốc tế. Ông Stephen Green, một kinh tế gia của ngân hàng Standard Chartered ở Trung Quốc nói, khá lắm đề nghị của Trung Quốc chỉ là cột mốc bắt đầu mà thôi. Giáo sư kinh tế Eswar Prasad của đại học Cornell (Mỹ) nói: “Tôi không nghĩ là Trung Quốc và Nga thật sự tin rằng có thể thay thế đồng đô la bằng SDR. Theo tôi, với những tuyên bố đó họ chỉ muốn khẳng định một điều là từ nay họ kiên quyết thể hiện vai trò của mình”.
Tờ Financial Times công bố bản dự thảo bản thông cáo chung của các nguyên thủ đến dự kỳ họp G20. Bản dự thảo không nói gì đến vai trò của đồng đô la, mà chỉ đại ý nói: “Chúng tôi nhất quyết duy trì mức tăng trưởng, phản đối bảo hộ mậu dịch, cải tổ thị trường và các định chế vì tương lai”.
Trung Quốc chắc chắn hiểu rằng đồng nhân dân tệ không thể trong một ngày đêm trở thành kẻ thay thế đồng đô la Mỹ. Bài học lịch sử còn để lại. Mỹ nổi lên thành nền kinh tế dẫn đầu thay cho Anh Quốc hồi thế kỷ 19. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ chỉ thật sự trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, thay thế đồng tiền Anh lúc đó, sau khi hai cuộc chiến thế giới làm cạn kiệt ngân khố và tiềm lực quân sự của Anh. Và ngày nay, Mỹ không dễ dàng gì để mất vị trí đồng đô la cho bất kỳ đồng tiền nào khác.
Do đó, giáo sư kinh tế học Zhong Wei của đại học Bắc Kinh nhận xét: “Đề nghị của Trung Quốc thật ra chỉ là lời than phiền của các quan chức Trung Quốc mà thôi”.
Thực tế, một mặt Trung Quốc tỏ thái độ thúc đẩy việc thay thế đồng đô la trong thanh toán quốc tế. Malaysia và Thái Lan, hai nước chủ chốt trong ASEAN lên tiếng ủng hộ đề nghị của Trung Quốc, với lập luận rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng không ổn định và thúc đẩy thương mại. Mặt khác Trung Quốc cam đoan sẽ không làm gì để lung lay sức mạnh của đồng đô la vì Trung Quốc đang nắm trong tay một khoản nợ khổng lồ của Mỹ và khoản dự trữ đô la của Trung Quốc cũng thuộc hàng vô địch thế giới. Hai đối trọng khác ở châu Á là Nhật và Hàn Quốc tuyên bố vẫn theo đuổi chính sách cân bằng thanh toán quốc tế và dự trữ bằng đồng đô la.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, bà Fu Ying thanh minh với BBC rằng Trung Quốc không kêu gọi thay thế đồng đô la trong hệ thống thanh toán và dự trữ quốc tế. Theo bà đề nghị của ông Chu Tiểu Xuyên chỉ là một tham luận đóng góp cho cuộc họp G20 mà thôi.
Do đó, tiến sĩ kinh tế học phát triển Terry Lacey ở Jakarta nói rằng nếu trong thời gian diễn ra cuộc họp G20, độc giả thấy trên các phương tiện truyền thông công bố những thông tin đại loại như: “Mỹ đồng ý từ bỏ vị trí của đồng đô la trong thanh toán quốc tế”, “Chủ tịch IMF từ chức để rộng đường cho Trung Quốc đưa đồng nhân dân tệ lên làm đồng tiền thanh toán quốc tế chính”…, hãy tin rằng đó chỉ là tin cá tháng tư.

Nguồn: Internet