(VINANET) – Giá hàng hóa trên thị trường thế giới tuần qua tiếp tục giảm khá mạnh, kéo chỉ số giá 19 nguyên liệu CRB giảm từ 334,240 xuống 329,550.

Dầu: Giá dầu diễn biến trái chiều giữa 2 thị trường. Tại New York, dầu thô ngọt nhẹ tăng giá bởi hoạt động sản xuất ở Vịnh Mexico chưa hồi phục hoàn toàn sau những trận bão lớn gần đây. Tuy nhiên tại London, dầu Brent giảm giá mạnh.

Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của Libya đã quyết định bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất dầu và sẽ sớm xuất khẩu trở lại. Libya là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi và trước khi xung đột bùng nổ, 85% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này được bán cho châu Âu.

Các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu, và nguy cơ lây lan khủng hoảng từ Hy Lạp sang các nền kinh tế khác trong khu vực.

Vàng giảm giá khá mạnh trong tuần qua, sau những tín hiệu cho thấy các cường quốc đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro. Chỉ trong 1 tuần, vàng đã mất giá gần 50 USD hay 2,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5, do đợt bán tháo mạnh mẽ để kiếm lời sau khi giá tăng vượt 1.920 USD đầu tháng này.

Đường tuần qua cũng giảm giá mạnh, xuống mức thấp nhất 6 tháng, bởi lo ngại kinh tế sa sút sẽ làm giảm nhu cầu đối với mặt hàng này và nguồn cung dồi dào từ Brazil – nước sản xuất lớn nhất thế giới.

Đóng cửa phiên 16/9 (ngày thứ Sáu), giá đường thô giao tháng 10 tại New York hạ 1,98 cent, tương đương 6,7% xuống còn 27,52 cent/lb – ngày giảm nhiều nhất từ 15//3. Kỳ hạn tháng 3/2012 – kỳ hạn giao dịch nhiều nhất – thi giảm 6,6% xuống 26,31 cent/lb.

Tính chung cả tuần, giá đường thô giảm 4,8% và giảm 24% kể từ ngày 24/8 tới nay. So với đầu năm, giá đường hạ 18%.

Tại London, giá đường tinh luyện hay đường trắng, giao tháng 12 giảm 30,4 USD, tức 4,2% xuống 687,2 USD/tấn – ngày giảm nhiều nhất cũng từ 15/3. So với đầu năm, giá đường trắng hạ 12%.

Theo thông báo từ Sở giao dịch hàng hóa London (Liffe), các cảng của Braxin đã chất tới 110.000 tấn đường để giao cho 2.200 hợp đồng kỳ hạn tháng 10 đáo hạn hôm 16/9 vừa qua trên sàn Nyse Liffe. Cách đây 1 tháng, khi kỳ hạn tháng 8 đáo hạn, số hợp đồng phải giao chỉ là 1.203.

Hiện tại nông dân ở Trung Nam Braxin, khu vực trồng mía và sản xuất đường nhiều nhất nước, đã ép được 338,1 triệu tấn mía của vụ 2011/12, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng đường được sản xuất là 20,4 triệu tấn, kém năm ngoái 9,4%. Tuy nhiên ở các vùng khác, sản lượng lại cao hơn.

Các nhà quan sát thị trường và giới thương nhân đang chờ đợi động thái tiếp theo từ Ấn Độ, với việc nước này đã sẵn sàng bán cho nước ngoài, trong khi dự đoán liệu Trung Quốc sẽ mua bao nhiêu đường, để có quyết định kinh doanh tiếp theo. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai, trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu số 1.

Lúa gạo
Giá gạo châu Á giảm khá mạnh trong tuần qua, sau khi Ấn Độ cho phép xuất khẩu thêm 2 triệu tấn gạo phi – basmati.

Đảo ngược xu hướng tăng nhiều tháng nay, giá gạo Thái giảm khoảng 6% trong tuần qua, với gạo 100% B lùi về 600 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8 và thấp hơn 60 đô la so với một tuần trước đây, bởi khách hàng chuyển hướng sang nguồn cung Ấn Độ.

Một công ty thương mại hàng đầu của Ấn đã bán gạo phi-basmati với giá chỉ 470 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá gạo cùng loại của Thái, và cũng thấp hơn cả mức giá 545-580 của gạo Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam tuần qua tiếp tục giảm do nhu cầu yếu. Gạo 5% tấm của Việt Nam giá chào hiện 545-550 USD/tấn, so với 550-580 đô la một tuần trước đây, còn gạo 25% tấm giảm xuống 500 đô la, từ mức 510-520 USD/tấn.

Tuy nhiên, có rất ít người chào bán gạo lúc này. Các thương gia có thái độ chờ đợi xu hướng rõ rệt.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tính tới ngày 8/9 đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5,45 triệu tấn, và dự kiến sẽ đạt kỷ lục 7 triệu tấn năm nay, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Hạt tiêu: Thị trường hạt tiêu thế giới biến động thất thường trong tuần qua. Giá hiện đang ở mức cao kỷ lục, và dự báo trong trung hạn (tháng 9-12), xu hướng giá thế giới sẽ phụ thuộc vào lượng tồn kho ở Ấn Độ và Việt Nam, và vào sản lượng vụ mới của Việt Nam và Brazil.

Hạt tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu giá 7.700 USD/tấn (c&f). Đồng rupee giảm giá mạnh so với đô la Mỹ làm tăng sức cạnh tranh của hạt tiêu Ấn Độ so với các xuất xứ khác, trừ Brazil.

Hạt tiêu Việt Nam giá đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử, 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng so với tháng trước. Hạt tiêu xuất khẩu loại 500 GL giá hiện đạt 7.100 USD/tấn (cfr).

Với nguồn cung khan hiếm, dự báo giá sẽ còn tiếp tục vững hoặc tăng từ nay tới cuối năm.

Giá hàng hóa thế giới tuần qua

Hàng hóa

ĐVT

Giá 17/9

Giá 10/9

+/-(so theo năm)

Dầu thô WTI

USD/thùng

87,90

87,24

 -3,8%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

112,01

112,61

 18,2%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

3,809

3,915

-13,5%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1814,70

1859,50

 27,7%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1810,84

1855,36

 27,6%

Đồng Mỹ

US cent/lb

 392,00

 398,75

-11,9%

Đồng LME

USD/tấn

 8696,20

 8821,00

 -9,4%

Dollar

 

 76,544

 77,154

 -3,1%

CRB

 

329,550

334,240

 -1,0%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

692,00

726,00

 10,0%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1355,50

 1416,50

 -2,7%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

688,25

701,00

-13,3%

Cà phê Mỹ

 US cent/lb

 263,00

 271,25

9,4%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2784,00

2868,00

 -8,3%

Đường Mỹ

US cent/lb

27,52

29,05

-14,3%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 40,781

 41,573

 31,8%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1813,90

1837,90

2,0%

Palladium Mỹ

USD/ounce

 731,20

 737,10

 -9,0%

(T.H – Reuters)