(VINANET) - Thị trường hàng hoá thế giới tuần qua (19-26/11) đồng loạt giảm mạnh. Khí gas là mặt hàng duy nhất tăng giá trong 19 hàng hoá nguyên liệu nằm trong chỉ số CRB.

Lãi suất tiền vay của Italia tăng mạnh, tín dụng cho lĩnh vực hàng hoá bị thắt chặt hơn nữa và đồng USD tăng giá trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn đồng loạt gây sức ép lên thị trường hàng hoá toàn cầu tuần qua.

Vàng giảm liên tiếp 2 tuần, dầu thô cũng giảm mạnh mặc dù lo ngaij gia tăng về căng thẳng ở Trung Đông.

“Ở châu Âu, khủng hoảng chính trị khiến tín dụng bị thắt chặt, và ảnh hưởng tiêu cực ới triển vọng kinh tế. Mỹ cũng lâm vào tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ”, nhà phân tích của Natixis, ông Nic Brown phát biểu tại London.

Chỉ số 19 nguyên liệu Reuters-Jefferies CRB có lúc giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần là 304,94 và kết thúc tuần thứ 4 giảm điểm.

Chứng khoán Mỹ mất điểm tuần thứ 7 liên tiếp, kết thúc một tuần giảm điểm tệ nhất trong vòng 2 tháng, do thiếu giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng tín dụng châu Âu khiến các nhà đầu tư chỉ dám đứng ngoài quan sát những tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán.

Italia phải trả kỷ lục 6,5% lãi suất cho tiền vay kỳ hạn 6 tháng và lãi suất tiền vay dài hạn tăng vượt mức an toàn, gia tăng áp lực buộc chính phủ mới của Rome phải đưa ra những giải pháp khẩn cấp.

Các vấn đề về tài trợ cho các ngân hàng châu Âu trở nên căng thẳng, khiến chỉ số euro giảm mạnh so với USD.

Các công ty kinh doanh kim loại đang phải chật vật với tình trạng chi phí tiền vay tăng cao và rủi ro từ phía đối tác bởi khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng đang có nguy cơ lan rộng ra lĩnh vực công nghiệp. Đó là nhận định của một công ty giao dịch ở Anh - Stemcor.

Sự giảm sút trong hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cũng đẩy giá hàng hoá, đặc biệt là dầu đi xuống trong phần lớn các phiên trong tuần. Theo số liệu của ngân hàng HSBC, hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc đang chậm lại, với chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 11 đã giảm xuống mức 48 điểm - mức thấp nhất trong 32 tháng qua, kể từ tháng 3/2009, và so với mức 21 điểm của tháng 10 trước đó. Ở dưới mức 50 điểm, chỉ số này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang co lại. Với mức điểm trên, siêu cường kinh tế số một châu Á và thứ hai thế giới đang gây ra những lo ngại về một sự suy giảm tăng trưởng hiện hữu.

Các thị trường còn bị dìm sâu hơn do tăng trưởng kinh tế yếu kém tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất đồng thời là nhà tiêu thụ dầu thô số một thế giới, sau khi Bộ Thương mại nước này vào ngày 21/11 đã bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng quý III từ 2,5% xuống 2%.

Ngoài ra, một loạt các thông tin xấu được đưa ra trong tuần qua cũng gây sức ép lên hàng hoá, như việc Quốc hội Mỹ không đạt được nhất trí về cắt giảm thâm hụt ngân sách; Đợt bán trái phiếu thất bại bất ngờ tại Đức - nền kinh tế mạnh nhất khu vực Eurozone cùng với việc hai hãng đánh giá tín dụng Fitch và Moody's lần lượt đánh tụt hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha và hạ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Hungary, càng làm tăng thêm lo ngại châu Âu sẽ ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ.

Hãng đánh giá tín dụng Fitch đã giảm mức xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha hôm thứ 5 tuần trước, trong khi Moody hạ tín nhiệm của Hungary.

Cộng thêm vào đó, thị trường Mỹ thưa thớt những ngày cuối tuần vì là dịp lễ Tạ ơn. Các nhà đầu tư chỉ biết chờ đợi những số liệu sẽ được công bố trong tuần này, với hy vọng sẽ có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - hồi phục, và những thông tin tích cực hơn từ các quốc gia châu Âu.

Các số liệu về bán nhà mới ở Mỹ tháng 10 và giá nhà mới tháng 9 sẽ được công bố trong tuần này.

Dầu mỏ

Đồng USD tăng lên mức cao kỷ lục 7 tuần so với Euro, và cũng tăng so với rổ tiền tệ, đang gây sức ép lên hầu hết các thị trường hàng hoá, trong đó có dầu.

Đồng euro bị bán tháo và đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần so với đồng bạc xanh vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/11. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào giá dầu mỏ - vốn được định giá bằng USD, do đồng tiến này mạnh lên sẽ làm dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sở hữu những đồng tiền khác yếu hơn.

Đồng euro đã chạm xuống mức đáy 1,3212 USD - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 đến nay trong phiên 25/11 sau khi cuộc họp giữa 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone là Đức, Pháp và Italy vào hôm 24/11 cho thấy những bất đồng sâu sắc giũa các bên về một giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực.

Tại cuộc họp này, cả Đức và Pháp vẫn hứa sẽ cải cách các hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) song Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel vẫn phản đối việc hỗ trợ phát hành trái phiếu châu Âu (eurobond) và gia tăng thêm vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, bà Merkel và tân Thủ tướng Đức Mario Monti cho biết họ sẽ thúc đẩy việc cải cách các hiệp định EU song nhất trí không gia tăng thêm vai trò của ECB.

Thị trường dầu thô chịu sức ép từ viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ. Việc giao dịch chứng khoán Phố Wall, phong vũ biểu của kinh tế Mỹ, đi xuống khiến nhà đầu tư lo lắng về tương lai ngành năng lượng.

Thêm vào đó, yếu tố châu Âu cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ, khi chi phí vay mượn tại nhiều quốc gia trong khu vực này đang tăng mạnh, thậm chí nhiều nơi có lúc còn vượt 7%, ngưỡng cần cứu trợ.

Dầu Brent tuần qua có lúc xuống chỉ 105,85 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tuần qua giảm 64 US cent.

Chỉ có hai thông tin đang hậu thuẫn giá dầu: Thứ nhất là căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.

Pháp kêu gọi trừng phạt các nhà xuất khẩu Iran, và bất kỳ hạn động quân sự nào như vậy nếu xảy ra cũng sẽ làm giảm nguồn cung từ nước sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC này, đồng thời làm gián đoạn việc mậu dịch qua eo biển Hormuz – kênh vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới.

Thông tin thứ 2 có lợi cho giá dầu là báo cáo về tình hình dự trữ nhiên liệu tại Mỹ, theo đó, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) ngày 23/11 cho biết dự trữ dầu thô tại cường quốc này trong tuần trước nữa đã giảm tới 6,2 triệu thùng và thấp hơn khoảng 8% so với mức của cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm này mạnh hơn dự báo trước đó của Viện dầu mỏ Mỹ (API). Điều này cho thấy nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới khá vững, bất chấp các điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, giá dầu mỏ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế toàn cầu, trong đó cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu sẽ là nhân tố chính chi phối giá dầu trong những tháng cuối năm.

Ngân hàng Mỹ Bank of America dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 104 USD/thùng trong quý I/2012. Theo ngân hàng này, các điều kiện tài chính xấu đi sẽ tác động tới hoạt động kinh tế và kéo giá dầu giảm.

Kim loại

Bi quan về triển vọng kinh tế cũng gây sức ép lên thị trường kim loại. Đồng kỳ hạn 3 tháng tại London giá giảm liên tiếp 4 tuần, xuống mức thấp nhất 1 tháng là 7.100,25 USD/tấn hôm trước phiên giao dịch cuối cung, 24/11.

Nhu cầu đồng ở châu Âu rõ ràng giảm sút, và lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc cũng giảm.

Vàng

Mặc dù hồi phục phiên cuối tuần, song vàng vẫn kết thúc một tuần giảm giá, với mức giảm lên tới 44,5 USD so với cuối tuần trước, bởi lo ngại của giới đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Các chính trị gia của châu Âu hiện vẫn chưa tìm ra được giải pháp khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ kéo dài này.

Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường được đánh giá là tiềm năng tăng giá mạnh. Số liệu mới nhất từ IMF cho thấy các ngân hàng đã mua 26 tấn vàng trong tháng 10 vừa qua.

Nông sản

Trên thị trường nông sản, ngũ cốc Mỹ giảm giá khá mạnh do lo ngại kinh tế thế giới suy giảm và thực trạng USD tăng giá.

Ngô giảm giá 4,5% trong tuần, là tuần thứ 3 liên tiếp giảm. Lúa mì cũng giảm liên tiếp 4 tuần.

Cacao kết thúc tuần ở mức giá thấp nhất 2 năm rưỡi, trong khi đường thô thấp nhất năm tháng rưỡi. Cà phê cũng không tránh khỏi số phận giảm giá.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

24/11

19/11

+/-(so với đầu năm)

Dầu thô WTI

USD/thùng

97,32

97,64

6,5%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

106,64

107,64

 12,5%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

3,542

3,316

-19,6%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1685,70

1725,10

 18,6%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1679,34

1722,89

 18,3%

Đồng Mỹ

US cent/lb

 327,00

 340,20

-26,5%

Đồng LME

USD/tấn

 7270,00

 7525,00

-24,3%

Dollar

 

 79,663

 78,024

0,8%

CRB

 

305,450

312,210

 -8,2%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

582,50

610,25

 -7,4%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1106,50

 1168,25

-20,6%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

574,50

598,25

-27,7%

Cà phê Mỹ

 US cent/lb

 229,60

 234,20

 -4,5%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2238,00

2308,00

-26,3%

Đường Mỹ

US cent/lb

22,90

23,97

-28,7%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 31,014

 32,417

0,2%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1532,10

1587,00

-13,8%

Palladium Mỹ

USD/ounce

 570,10

 605,15

-29,0

(T.H – Reuters)