Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho biết, vấn đề nợ của Hy Lạp là do chính bản thân quốc gia này gây ra, không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng tài chính. Theo ông này, chính phủ Hy Lạp sẽ không khất nợ đồng thời hứa sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách. Hôm 11/12, báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Standard Nam Phi dự đoán, tình hình kinh tế của Hy Lạp và Ailen không thể khoan nhượng được nữa. Điều  đó có thể khiến cho hai quốc gia này phải nhận viện trợ bên ngoài từ các nước trên thế giới, thậm chí có thể  bị buộc phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone trước khi hết năm 2010.

Ông Papandreou cho rằng, lo lắng của các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Hy Lạp có thể lý giải được, chính phủ Hy Lạp sẽ không xin khất nợ. Giai đoạn này, khoản nợ công của chính phủ Hy Lạp đã đạt tới 113% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Dự đoán trong 4 năm tới, mức thâm hụt ngân sách tài chính sẽ giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn, tương đương với 3% GDP. Chính phủ Hy Lạp đã cam kết, vào năm tài khóa 2010, sẽ đưa tỷ lệ thâm hụt tài chính chiếm trong GDP từ mức 12,7% ước tính sẽ đạt vào năm tài chính này xuống còn 3,6%.

Ông Papandreou hứa rằng sẽ “sửa chữa lại nền kinh tế Hy Lạp, chống lại nạn tham chũng và các tệ nạn khác. Chúng tôi sẵn sàng để thực hiện những thay đổi trọng đại, thúc đẩy đất nước chúng tôi giành được sự tiến bộ trong thời đại mới, bảo đảm chúng tôi có một nền kinh tế vững mạnh, ổn định”.

Vào tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, trong khi Hy Lạp phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nợ, vấn đề được châu Âu quan tâm nhất chính là sự ổn định của tỷ giá đồng EUR. Châu Âu sẽ cùng với các quốc gia cũng đang gặp khó khăn khác thảo luận làm thế nào để giữ vững sự ổn định của đồng EUR. Theo bà, hiện nay, Hy Lạp đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, Liên minh châu Âu có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng với Hy Lạp.

Bà Merkel còn chỉ ra rằng, nội bộ tập đoàn Euro đã nhất trí, cần phải tuân thủ tiêu chuẩn ổn định của châu Âu trong vấn đề ngân sách. Theo thủ tướng Đức, hiện nay, việc Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến khu vực Eurozone bất an.

Theo Ngân hàng Standard, không loại trừ khả năng Hy Lạp và Ailen trước cuối năm 2010 sẽ bị buộc phải rút lui khỏi khu vực Eurozone. Phân tích của ngân hàng này cho thấy, khả năng thoát khỏi khủng hoảng của Hy Lạp và Ailen đã vấp phải sự nghi ngờ của các nước bên ngoài. Việc hạ thấp lãi suất, sự mất giá của tiền tệ và việc thực hiện các chính sách kích thích tài chính đều hạn chế sự phục hồi của một số quốc gia.

Nguồn: Vitinfo

Nguồn: Internet