Chính phủ Indonesia đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa và cơ cấu lại ngành dệt may nhằm đạt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên 11,8 tỷ USD vào năm 2009.
 Hàng loạt biện pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu này, trong đó gồm việc cho phép các ngân hàng tìm nguồn vốn trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa thiết bị; Chính phủ bảo đảm cung cấp nguyên, vật liệu chính cho ngành dệt may, trong đó có các sản phẩm từ hóa dầu; khuyến khích các công ty tăng cường sản xuất các mặt hàng có giá trị cao từ sợi tự nhiên như lụa và Chính phủ sẽ lập một kế hoạch tổng thể phát triển ngành sản xuất lụa quốc gia.
 Dệt may là ngành đóng góp ngoại tệ vào hàng nhiều nhất cho Indonesia, sau sản xuất và khai thác dầu khí, và thu hút hơn bốn triệu lao động gián tiếp và trực tiếp.
 Vài năm trước đây, dệt may Indonesia đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có nguy cơ bị phá sản do hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc và một số nước láng giềng tràn sang, cộng thêm máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, năng suất lao động thấp, v.v.
 Tại Bandung, thủ phủ Tây Java đồng thời là trung tâm sản xuất dệt may, da giày phục vụ xuất khẩu và nhu cầu nội địa, hơn 100 nhà máy phải đóng cửa, nhiều công ty chuyển sang Việt Nam, Trung Quốc để tận dụng lợi thế lao động rẻ và năng suất cao hơn. Năm 2004, xuất khẩu dệt may của Indonesia đạt 6,9 tỷ USD, chỉ chiếm 2,15% trong số 500 tỷ giá trị thương mại dệt may toàn cầu, tụt xuống thứ 17 (từ vị trí thứ 10 về xuất khẩu dệt may trên thị trường quốc tế bốn năm trước đó).
 Sự tụt dốc nhanh chóng của ngành dệt may buộc Chính phủ, các chuyên gia, lãnh đạo trong lĩnh vực dệt may và bản thân các doanh nghiệp Indonesia lao vào cuộc, từng bước vực dậy ngành kinh tế này. Hàng loạt biện pháp phối hợp giữa các doanh nghiệp và Chính phủ được thực hiện nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, sẵn sàng đối mặt áp lực cạnh tranh tự do trong quá trình toàn cầu hóa, trong đó chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế.
 Các doanh nghiệp dệt may trong nước đã phát huy thế mạnh thị trường nội địa rộng lớn với hơn 220 triệu dân và không ngừng tìm kiếm thị trường quốc tế. Năm 2007, xuất khẩu dệt may của Indonesia tăng 6,1%, đạt 10,03 tỷ USD so mức 9,45 tỷ USD năm 2006. Thêm vào đó, việc Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đi vào hoạt động cũng mang lại nguồn lợi cho dệt may Indonesia. Thị trường này sẽ càng mở rộng hơn tới năm 2010 với sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều chuyên gia Indonesia cho rằng, việc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ hạ thuế quan cho hàng hóa xuất xứ từ các nền kinh tế thành viên có thu nhập thấp vào năm 2010 cũng tạo thuận lợi cho ngành dệt may Indonesia hoạt động ổn định và phát triển.
 Với sự mở cửa, hiện đại hóa đang được xúc tiến mạnh mẽ, ngành dệt may Indonesia mang đến nhiều tiềm năng hợp tác cho các đối tác nước ngoài. Tại Hội chợ Bandung Interfex lần thứ 8 vừa diễn ra tại Indonesia, hơn 590 công ty từ 27 nước và vùng lãnh thổ đã tham dự, trong đó có các nước hàng đầu thế giới trong sản xuất máy móc cũng như các sản phẩm dệt may như Trung Quốc, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ và Thụy Sĩ.
 Các nhà sản xuất sản phẩm dệt và máy dệt thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, coi Indonesia, quốc gia có tới 1.200 nhà máy dệt, là thị trường tiềm năng để mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Cơ hội phát triển ngành dệt may của Indonesia là khả quan.
 
 

Nguồn: Nhân Dân