Tại hội nghị ở Cebu, miền trung Philippine, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine, Arthur Yap cho nhận định: “Chúng ta đang ở thời điểm không khác mấy so với năm 2008”, khi giá đã lập kỷ lục cao lịch sử. Giá dầu mỏ tăng có thể đẩy chi phí sản xuất, nhất là phân bón, tăng lên, đẩy giá gạo tăng hơn nữa.

Năm ngoái, những cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nơi trên toàn cầu, từ Bănglađét tới Haiti, sau khi nỗi lo thiếu cung lương thực phình to trên toàn cầu, buộc những nước sản xuất gạo lớn, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, phải hạn chế xuất khẩu gạo.

Vào tháng 4/2008, giá gạo tại Chicago đã tăng tới mức cao kỷ lục, 25,07 USD/cwt (1 cwt = 100 lb), sau khi xuất khẩu gạo thế giới eo hẹp và Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tăng cường mua để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tránh lạm phát.

Chủ tịch Hiệp hội Gạo Mỹ, Dwight Roberts cũng có chung nhận định như ông Arthur khi cho rằng “tình huốn hiện nay cũng có thể sẽ giống như năm ngoái”, tức là giá sẽ quay trở lại mức cao kỷ lục.

Theo ông Roberts, giá gạo giao ngay tại Mỹ, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới, có thể sẽ tăng lên mức 15 USD/100 lb vào đầu năm tới, so với chỉ khoảng 12 USD hiện nay, do thời tiết lạnh và ẩm ướt làm giảm sản lượng của Mỹ, và bão làm giảm cung ở Mỹ Latinh, Ấn Độ và Philippine.

Sản lượng gạo Mỹ có thể sẽ không đạt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra. Con số thực tế có thể sẽ thấp hơn tới 15% so với dự kiến, và như vậy thì giá gạo sẽ dễ dàng lập lại mức kỷ lục cao của năm ngoái.

Nhu cầu cao

Theo ông Yap, nguy cơ giá gạo tăng mạnh là lý do các Chính phủ đều ủng hộ lời kêu gọi của ông là lập kho dự trữ lương thực toàn cầu để phòng khi bất chắc.

Ông nói: “Năm 2008, khi giá phân bón và giá gạo đều tăng mạnh, đúng vào lúc nhiều nước cấm xuất khẩu gạo, kế hoạch tự do mậu dịch quốc tế không thể làm gì cho thế giới, nhất là cho những nước nghèo đói”.

Trong báo cáo đưa ra ngày 9/10/2009, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhu cầu gạo trên toàn cầu trong năm 2010 sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 1960, và vượt khoảng 2,4 triệu tấn so với sản lượng. Trong báo cáo đó, USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm 2,7% xuống 433,6 triệu tấn, trong đó sản lượng gạo Mỹ sẽ tăng 8,3% so với 7,056 triệu tấn của năm ngoái. Vậy nếu sản lượng của Mỹ thấp hơn dự báo thì mức thiếu cung trên toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa.

Trên bảng giao dịch điện tử tại Sở giao dịch hàng hoá Chicago, hợp đồng gạo kỳ hạn tháng 1/2010 giá tăng 1,3% vào chiều 28/10 tính theo giờ Việt Nam, lên 13,945 USD/100 lb. Trong 6 tháng qua, giá gạo tại Mỹ đã tăng 9,8%.

Các số liệu chưa chính xác

Theo ông Roberts, giá gạo giao ngay và kỳ hạn đều chưa phản ánh được tình hình cung - cầu trên toàn thế giới, do số liệu thống kê của một số Chính phủ chưa chính xác.

Theo ổ chức Nông – lương Liên Hiệp Quốc, dự trữ gạo của các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ giảm xuống dưới 20 triệu tấn trong năm 2010 so với hơn 30 triệu tấn của năm nay, do thời tiết ảnh hưởng tới sản lượng.

Với tình hình dự trữ gạo toàn cầu rất thấp hiện nay, nếu xảy ra tình trạng mua với khối lượng lớn, giá lập tức tăng vọt, không chỉ ở Mỹ.

Theo nhà quản lý của Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine, Jessup Navarro, nước này đang tiến hành nhập khẩu gạo cho năm 2010 sau khi bị bão tàn phá nhiều diện tích trồng lúa trong tháng qua.

Hạn hán ở Nam Mỹ cũng đang làm giảm mạnh lượng cung nước ở khu vực đó, buộc một số nước sản xuất phải cắt giảm diện tích trồng lúa vụ này và hạn chế xuất khẩu.

Sản lượng giảm ở Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, do hạn hán trầm trọng mấy tháng qua có thể cũng buộc nước Nam Á này phải nhập khẩu gạo. Ông Roberts nhận định Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu gạo trong mấy tháng tới, có thể chỉ là sau vài tuần nữa.

Kho dự trữ gạo

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (ASEAN+3) ghi nhận tiến triển trong việc thực hiện dự án thí điểm lập hệ thống kho gạo dự trữ khẩn cấp Đông Á (EAERR), dự kiến kết thúc vào cuối tháng Hai năm tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan tại Cha-am Hua Hin, Vương quốc Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 cũng đánh giá cao nỗ lực chuyển EAERR thành một cơ chế thường trực theo chương trình xây dựng kho gạo dự trữ khẩn cấp ASEAN+3.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kho gạo dự trữ trong bối cảnh các thảm họa thiên tai diễn ra ngày càng thường xuyên và với mức độ tàn phá ngày càng trầm trọng, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 cho biết đã chỉ thị cho bộ trưởng nông nghiệp và lâm nghiệp 13 nước khu vực tăng cường nỗ lực để sớm thực hiện chương trình lập kho gạo dự trữ khẩn cấp ASEAN+3 nhằm bảo đảm sự tiếp tục của cơ chế an ninh lương thực khu vực sau khi EAERR hết hiệu lực.

Lãnh đạo các nước ASEAN+3 cũng ghi nhận sự tiến bộ của kế hoạch hợp tác năng lượng Đông Á, đặc biệt là Lộ trình xây dựng hệ thống kho xăng dầu dự trữ, việc hoàn tất Triển vọng năng lượng ASEAN+3 lần thứ hai, công việc kích hoạt Hệ thống thông tin năng lượng ASEAN+3 và tăng cường Sáng kiến chung về dữ kiện dầu mỏ.

Lãnh đạo ASEAN+3 hoan nghênh các sáng kiến cũng như hoạt động thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự.

Về thương mại, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 ghi nhận giai đoạn II của dự án nghiên cứu tính khả thi của Khu vực tự do thương mại Đông Á (EAFTA) và cho rằng EAFTA và chương trình thiết lập Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Đông Á sẽ được xem xét đồng thời cùng với nhiều đề xuất khác.

Lãnh đạo ASEAN +3 cho rằng việc tăng cường liên kết sẽ giữ vai trò là chất xúc tác trong hội nhập khu vực, khẳng định cam kết tiếp tục tiến trình ASEAN+3 như là một động lực hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Đông Á, trong đó ASEAN là động lực chính.

Các nước ASEAN+3 hiện đóng góp 19% cho GDP của thế giới và chiếm khoảng 24% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

 

Nguồn: Vinanet