Kim ngạch nhập khẩu cũng không tránh khỏi xu hướng này, khi mà một số mặt hàng như ôtô giảm 70%, phôi thép giảm hơn 80%, chất dẻo và hoá chất giảm 50%… Điều này cho thấy ngoài yếu tố giá thì nhu cầu trong nước, nhất là nhu cầu cho sản xuất đang giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu tác động đến kim ngạch hàng hoá nhập khẩu tháng 1/2009 là do giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2008, cụ thể như giá xăng dầu giảm 56,2%; giá chất dẻo giảm 33,7%, giá sợi dệt giảm 29,2%, giá sắt thép giảm 9,4%…

Năm 2008, nhập khẩu hoá chất tăng mạnh trong những tháng đầu và giữa năm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nhập khẩu đã bắt đầu giảm, thậm chí kim ngạch nhập khẩu tháng 11 chỉ bằng ½ của tháng 7 (là tháng có kim ngạch đạt lớn nhất, lên đến 190 triệu USD). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2009, nhập khẩu hoá chất vào nước ta chỉ đạt kim ngạch hơn 74 triệu USD, giảm 39,1% so với tháng trước và giảm 56,42% so với tháng 1/2008. So với tháng 1/2007 thì mức giảm sút là 27,26%.
Dự báo năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hoá chất của Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,9 triệu USD, tăng nhẹ 4,87% so với năm 2008.
Về thị trường và chủng loại nhập khẩu: Đứng đầu trong top các thị trường cung ứng hoá chất lớn của Việt Nam là Đài Loan, với kim ngạch đạt 20,3 triệu USD, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong tháng 1/2009. Các loại hoá chất được nhập khẩu từ thị trường này gồm Acid terephthalic tinh chế, Mono ethylene glycol, các loại hoá chất hữu cơ, các loại hoá chất dùng trong công nghiệp… Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này vẫn có sự giảm sút đáng kể, với mức giảm 25,25% so với tháng 12/2008, giảm 95,11% so với tháng 1/2008 và giảm 21,75% so với cùng kỳ năm 2007.
Với kim ngạch nhập khẩu đạt 18,3 triệu USD, Trung Quốc là thị trường cung ứng hoá chất lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng. Trung Quốc đã xuất sang nước ta nhiều loại hoá chất như dical cium phosphate (CaHPO4), các loại hoá chất hữu cơ, hoá chất công nghiệp, hoá chất thí nghiệm… So với tháng trước đó, thì kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã bị giảm 46,1%, còn so với cùng kỳ năm 2008 và cùng kỳ năm 2007 thì mức giảm lần lượt là 96,06% và 21,06%.
Bên cạnh đó, những thị trường thuộc top thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore cũng có kim ngạch giảm sút đáng kể so với tháng 12/2008 và so với cùng kỳ năm ngoái cũng như cùng kỳ năm 2007. Chủng loại  hoá chất nhập khẩu từ những thị trường này chủ yếu là các loại hoá chất hữu cơ, hoá chất dùng  trong công nghiệp, Triacetin (este của  axit axetic), các loại nguyên liệu dùng để sản xuất tân dược, dầu hoá lỏng, hoá chất phóng xạ dùng trong y tế…
Về doanh nghiệp nhập khẩu: Trong tháng 1/2009, cả nước có tất cả 780 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu hoá chất. Trong đó, có 37 doanh nghiệp đạt kim ngạch nhập khẩu trên 200 nghìn USD, 9 doanh nghiệp đạt kim ngạch nhập khẩu từ 500 nghìn USD trở lên, các doanh nghiệp khác đạt kim ngạch khá…
Trong số các doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 1 triệu USD tháng 1/2009 thì kim ngạch nhập khẩu của Côgn ty TNHH Hưng Nghiệp FORMOSA đạt kim ngạch cao nhất, với trị giá 10,7 triệu USD. Tiếp đến là Cty TNHH Nhựa và hoá chất Phú Mỹ với kim ngạch đạt 4,5 triệu  USD; Cty cổ phần  hữu hạn Vedan đạt 3,2 triệu USD, Cty LD hoá chất LG Vina với 2,9 triệu USD…

Nguồn: Vinanet