Việt Nam với ưu thế nhân công giá rẻ, cần cù, chăm chỉ và thông minh, chính sách thuế khuyến khích nổi trội đã trở thành địa điểm lựa chọn đầu tư hàng đầu của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn như Canon với dự án tại Khu công nghiệp Thăng Long và dự án nhà máy sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) hay những nhà máy của Fufitsu, Orion- Hanel...Những dự án này đều được đầu tư bài bản từ vốn nước ngoài, trang thiết bị hiện đại và kết quả là họ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành hàng cũng như xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử được nhận định, sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới với đóng mặt của các Nhà đầu tư lớn nước ngoài như Tập đoàn Foxcom (Đài Loan), Sanyo (Nhật Bản)...
 
Đối thủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính đều là những cường quốc trong lĩnh vực này như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, song thị trường của các nhà sản xuất Việt Nam vẫn rất lớn, bởi theo Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới có mức tăng trưởng vững chắc, khoảng 8-10%/năm. Công nghiệp điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng nhanh, khoảng 20-30%/năm. Cụ thể, tốc độ xuất khẩu năm 2007 tăng 26,1% so với năm 2006 và dự kiến năm 2008 sẽ tăng 48,6% so với năm 2007.
 
Thế nhưng thực trạng của ngành điện tử là các sản phẩm điện tử xuất khẩu chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm 1/10 tổng giá trị xuất khẩu và chủ yếu làm gia công, lắp ráp sản phẩm tiêu dùng. Hầu hết nguyên vật liệu, phụ tùng linh kiện để gia công sản phẩm đều do nước ngoài cung cấp, nhà sản xuất Việt Nam chỉ làm theo yêu cầu nên giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 5-10%.
 
Với kỳ vọng đưa ngành công nghiệp điện tử trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định 75/2007/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Mục tiêu đến năm 2010, doanh số sản xuất của ngành công nghiệp điện tử đạt 4-6 tỷ USD; tạo việc làm cho 300.000 lao động; có tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. Định hướng phát triển của các doanh nghiệp điện tử trong nước thời gian tới là: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển điện tử chuyên dùng, bao gồm sản xuất sản phẩm, linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hoá.
Đối với các sản phẩm điện tử chuyên dùng và phụ tùng linh kiện, các doanh nghiệp cần có biện pháp nâng cao chất lượng, tăng cường tính năng sản phẩm để đạt được giá trị gia tăng cao. Nhóm sản phẩm điện tử dân dụng sẽ áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, cải thiện mẫu mã để tăng thị phần và thị trường trong nước.
 
Để đáp ứng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần tạo ra sản phẩm điện tử phù hợp với nhu cầu thị trường, có chất lượng và giá cả cạnh tranh; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ để có các thông tin, thị trường, đối tác. Công nghiệp điện tử có đặc điểm là chuyên môn hoá cao, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm mà mình có thế mạnh để có thể tham gia vào hệ thống sản xuất trong khu vực.
 

Nguồn: Vinanet