Các số liệu của BI cũng cho thấy tỷ lệ nợ không sinh lời trong hệ thống ngân hàng Inđônêxia sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi thu nhập của ngân hàng bị giảm sút đáng kể. Các khoản nợ thuộc diện “cần giám sát đặc biệt” đến nay đã tăng lên tới 84.720 tỷ Rupiah.
Trong khi đó, tờ báo dẫn lời ông Bambang Soesatyo, Chủ tịch Uỷ ban Thương nghiệp Nội địa thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Inđônêxia (KADIN) ngày 29/3 nói trước tác động ngày càng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu tới nền kinh tế Inđônêxia, đầu tư tiếp tục bị đình trệ do thiếu lượng tiền mặt, xuất khẩu trong quý I/09 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2008. Chính phủ và Hạ viện Inđônêxia (DPR) cần thực hiện những biện pháp mang tính đột phá và tập trung vào việc triển khai những dự án trong gói kích thích kinh tế. Ông Bambang nhấn mạnh cho tới nay chính phủ vẫn chưa phân bổ xong toàn bộ gói kích kích kinh tế dành cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, theo kế hoạch được bắt đầu vào tháng 3/09, điều này đã làm cho “nền kinh tế tiếp tục bị suy yếu”. Thực tế cho thấy, Chính phủ mới chỉ phân bổ được 12.200 tỷ Rupiah trong gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 73.300 tỷ Rupiah dành cho các dự án phát triển hạ tầng và phát triển nông thôn.
Bên cạnh việc triển khai gói kích thích kinh tế nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Inđônêxia hiện đang tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ tài chính và kinh tế của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại thủ đô Luân Đôn. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Inđônêxia Sri Mulyani Indrawati đã có mặt tại Luân Đôn để tham dự Hội nghị trù bị cho Hội nghị G20, nhằm thảo luận các biện pháp khôi phục kinh tế và duy trì luồng vốn dành cho các nước đang phát triển và kích thích nhu cầu trên thị trường quốc tế.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam