*Năm 2010, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6%

Theo Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 sẽ được quyết định một phần bởi cán cân thanh toán, nếu tái thiết lập được các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tạo ra tâm lý tích cực hơn đối với đồng nội tệ, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2010. Việt Nam cần giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát, đặc biệt khi giá hàng hoá tiếp tục ở mức cao trong năm 2010.

*Kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2009

Theo công bố về toàn cảnh phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2009 của Cục Thống kê, tổng sản phẩm nội địa tăng 6,67% so với năm 2008, trong đó ngành công nghiệp tăng 6,85%, các ngành dịch vụ tăng 7,43%, ngàng nông lâm thuỷ sản tăng 0,08%. Vốn đầu tư phát triển 12 tháng năm 2009 đạt 23.635,7 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ.  Tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến cả năm 2009 đạt 73.500 tỷ đồng, vượt 4,2% dự toán năm, tăng 1,5% so với năm 2008. Tổng nguồn vốn huy động đến hết tháng 12/2009 là 591.152 tỷ đồng, tăng 27,98% so cùng kỳ năm trước.

Tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2009 dự kiến tăng 13,6% so với năm 2008, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 19,9%. Doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 12%, khối lượng hành khách vận chuyển tăng 19,5%... Giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản năm 2009 so với năm 2008 tăng 0,39%.

Bên cạnh đó 5 chỉ tiêu giảm như kim ngạch XK trên địa bàn giảm 7,8% so với năm trước, kim ngạch NK giảm 17,4%. Dự kiến ,khách quốc tế đến Hà Nội giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2008.

*Gia hạn điều tra kính nổi nhập khẩu

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Bộ Công thương chính thức đồng ý gia hạn thời gian điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi (kính xây dựng) nhập khẩu thêm hai tháng nữa sau sáu tháng điều tra.

Việc gia hạn điều tra được thực hiện đúng quy định theo pháp lệnh liên quan đến tự vệ trong việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN. Dự kiến ngày 28-2, Bộ Công thương sẽ đưa ra quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu hay không.

*Rượu, bia chịu thuế suất 45%

Tổng cục Thuế vừa có Công văn gửi các tỉnh , TP hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, từ ngày 1/1/2010, áp thuế TTĐB với rượu, bia. Đối với mặt hàng rượu, thuế suất thuế TTĐB được chia thành 2nhóm. Với rượu từ 20 độ trở lên, từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 31/12/2010, áp dụng thuế suất 45%. Từ ngày 1/1/2013, thuế suất là 50%. Đối với rượu dưới 20 độ, từ ngày 1/1/2010, áp dụng thuế suất 25%. Với mặt hàng bia, từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 3/12/2012, áp dụng thuế suất 45%. Từ ngày 1/1/2013, thuế suất là 50%. Tổng cục Thuế quy định, giá tính thuế TTĐB bia, rượu là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, chưa có thuế TTĐB và không loại trừ giá trị vỏ bao bì.

*Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, KCN Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) vừa có thêm 7 dự án  đầu tư, nâng tổng số các dự án đầu tư vào KCN này lên 41 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng. Hiện có 23 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động trực tiếp. Hàng năm, các DN trong KCN Phú Bài xuất khẩu bình quân khoảng 12 triệu USD. Hiện KCN Phú Bài đã cơ bản lấp đầy diện tích đất giai đoạn 1 và 2. Ở giai đoạn 3 vừa mới khởi công, KCN Phú Bài sẽ được đầu tư hạ tầng để mở rộng thêm 87 ha.

*Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2010 sẽ đạt 4,7 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2010 sẽ đạt 4,7 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm 2009.

Năm 2010, có thể tăng XK thuỷ sản sang EU, các nước EU nhập nhiều nhất cá philê đông lạnh, chủ yếu là cá tuyết, cá tuyết vàng và cá tra, sau đó là tôm đông lạnh và cá ngừ. Bên cạnh EU, Việt Nam còn có một số thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Đông…hứa hẹn sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh trong năm 2010.

*Thương mại Việt Nam-Indonesia sẽ đạt 2,5 tỷ USD năm 2010.

Đó là nhận định của Đại sứ Indonesia tại Việt Nam trong buổi gặp gỡ báo chí cuối năm 2009 tại Hà Nội. Kinh tế hai nước sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới thương mại hai chiều trong năm 2009. 10 tháng năm 2009, kim ngạch thương mại đạt 1,7 tỷ USD và hai bên hy vọng năm 2010 sẽ trở lại mức đã đạt được hồi năm 2008 là 2,5 tỷ USD. Ở các lĩnh vực đầu tư, du lịch và giáo dục đào tạo cũng đang có nhiều dấu hiệu khả quan trong kế hoạch hợp tác năm 2010. Indonesia hiện có 22 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn ở mức 2 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN và thứ 30 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

*Chứng khoán trong nước ngày 14/01/2010

Sàn HoSE: Phiên giao dịch sáng 14/01 đã chứng kiến sự lưỡng lự trong việc mua vào và nguồn cung tăng dần vào cuối phiên. Mặc dù khá nhiều bluechips quay lại giá tham chiếu thậm chí giảm nhẹ song Vn-Index vẫn tăng nhẹ 3,72 điểm (mức tăng 0,73%) lên 512,33 điểm. Trước đó, thị trường luôn giao dịch cân bằng tại ngưỡng 513 điểm khi VN-Index tăng 5 điểm (1%). Thị trường đóng cửa với 108 mã tăng giá (31 mã tăng trần), 54 mã giảm giá (6 mã giảm sàn) và 41 mã đứng giá. Các mã giảm sàn là HAP, DHC, DQC, FPC, TIE, VNL trong đó HAP và DQC là các cổ phiếu trước đó 2 phiên được tranh mua khối lượng lớn.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index đã duy trì được đà tăng từ đầu đến cuối ngày. Tuy nhiên, mức tăng không lớn. Chỉ số này đóng cửa tại 175,69 điểm, tăng 1,35 điểm (0,77%) so với phiên hôm qua (13/1).

Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 217 mã tăng giá, 20 mã đứng giá và 25 mã giảm.

*Từ ngày 28.1, dừng mọi hoạt động môi giới cổ phiếu tự do

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán dừng hoạt động môi giới cổ phiếu tự do (OTC) kể từ ngày 28.1.2010 nhằm chấn chỉnh lại hoạt động thị trường.

Theo đó, Ủy ban chứng khoán yêu cầu các công ty chứng khoán có hoạt động môi giới cổ phiếu tự do như công ty chứng khoán VNDirect, công ty chứng khoán phố Wall…sẽ phải dừng hoạt động.

Nguồn: Vinanet