Đến nay, cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Liên tục các mức lãi suất kỷ lục được công bố. Lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng hiện nay lên tới 9.99% cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Nếu không có quy định kiềm chế lãi suất huy động dưới 10% thì lãi suất hiện nay có thể vượt qua lãi suất trần cho vay 10.5%.

Vào lúc này, lãi suất tại một số ngân hàng gần như được đẩy lên mức cao nhất có thể. Điển hình là từ ngày 19/11, lãi suất của các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) đều ở mức 9.85%. Đường cong lãi suất trên thị trường tài chính Việt Nam đã được duỗi thẳng. Lãi suất USD và các ngoại tệ khác cũng được điều chỉnh tăng trong tuần qua và lên cao nhất ở mức 3.8%.

Trong cuộc họp Quốc hội tuần này, NHNN nhiều lần kiến nghị Quốc hội bỏ lãi suất trần theo lãi suất cơ bản hoặc nâng mức trần lên 200% thay vì 150% như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội không đồng ý với kiến nghị này. Lý do mà nhiều đại biểu đưa ra là nhằm bảo vệ những người đi vay, tránh tình trạng các ngân hàng chạy đua lãi suất gây bất ổn cho thị trường tài chính.

Tuy vậy, việc lãi suất trần hiện nay có còn hợp lý vẫn là một vấn đề chưa có câu trả lời rõ ràng. Những người ủng hộ bỏ lãi suất trần cho rằng Việt Nam cần phải tự do hóa lãi suất để xây dựng một thị trường tài chính theo cơ chế thị trường. Trong đó lãi suất trên thị trường được hình thành do cung cầu về vốn thay vì bị áp đặt như hiện nay.

Cơ chế lãi suất trần hiện nay gây không ít khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc huy động và cho vay. Dòng chảy tín dụng phần nào bị ách tắc do quy định này. Biện pháp có tính chất hành chính này làm cho lãi suất thấp hơn mức cân bằng của thị trường, từ đó gây thiệt hại cho người đi vay lẫn người cho vay. Ngược lại, có những ý kiến cho rằng nên giữ lãi suất trần trong giai đoạn hiện nay để kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý.

Hiện nay, căng thẳng tín dụng đang gây không ít khó khăn cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp muốn vay vốn. Nếu tình trạng này chưa được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi của nền kinh tế. Nhiều khả năng trong thời gian tới, NHNN "lỏng tay" hơn với việc siết chặt tín dụng để duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN cho biết vốn đầu tư gián tiếp (FII) rút ra khỏi Việt Nam trong 10 tháng đầu năm khoảng 500 triệu USD. Dự tính đến cuối năm, số vốn rút ra chưa đến 600 triệu USD, tương đương dòng vốn ra năm 2008. Cũng theo Thống đốc NHNN, thâm hụt cán cân thanh toán của nước ta năm nay sẽ vào khoảng 1.9 tỷ USD.

Có nhiều ý kiến chưa đồng thuận với những con số và ước đoán trên. Mức ước tính của một số nhà kinh tế cao hơn nhiều so với con số NHNN ước tính. Tuy vậy, mức thâm hụt trên cũng đã là một mối đe dọa không nhỏ lên tính ổn định tỷ giá. Liên tục trong 3 năm qua, nhập siêu của Việt Nam luôn vượt qua 10% GDP. Năm 2007, nhập siêu hơn 12 tỷ USD, năm 2008 hơn 18 tỷ USD. Năm nay thâm hụt thương mại dự kiến khoảng 12 tỷ USD.

Thông thường những khoản thâm hụt này được bù đắp bởi dòng vốn vào như đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), viện trợ phát triển ODA và kiều hối. Năm nay, ngoại trừ dòng vốn ODA thì các dòng vốn khác đều sút giảm khá mạnh, điều đặc biệt là có một lượng FII được rút ra. Do vậy, thâm hụt cán cân thanh toán là điều dễ hiểu.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm hơn 6 tỷ USD. Trong khi đó, NHNN đang giữ tỷ giá ở mức tương đối thấp khiến cho chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá phi chính thức lên mức khá cao. NHNN đang đứng trước lựa chọn khó khăn trong việc duy trì tỷ giá ở mức ổn định.

Xăng dầu tăng giá gây sức ép cho phục hồi kinh tế

Từ ngày 20/11, giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ đồng loạt tăng thêm từ 700 đến 1,000 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với mức giá hiện nay, các doanh nghiệp này lỗ hơn 1,000 đồng/lít trong hơn 20 ngày qua. Hiện tại, giá dầu giao ngày tại New York khoảng 77 USD/thùng. Tại thị trường Singapore - nơi nhập khẩu chính của các doanh nghiệp VN, giá xăng A92 thành phẩm vẫn giữ ở mức cao với gần 80 USD một thùng. Giá dầu thành phẩm ở ngưỡng trên khoảng 85 USD.

Giá xăng dầu trong nước cao phần lớn do các khoản thuế đánh vào xăng dầu. Như vậy, một mặt Chính phủ “ra sức” kích cầu, mặt khác Chính phủ lại đánh thuế cao vào mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.

(Vietstock)

 

Nguồn: Vinanet