Quy mô hơn, quy mô hơn nữa
“Người khổng lồ của Israel đã nuốt chửng một người khổng lồ khác”, đó là nhận xét của những nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse về vụ sát nhập mới nhất được tiến hành bởi công ty dược phẩm Teva của Israel. Công ty này vừa mua lại công ty đối thủ Barr (Mỹ) với giá hơn 7 tỉ đô-la Mỹ. Thành công của vụ sát nhập này sẽ thúc đẩy Teva tiến đến mục tiêu đầy tham vọng như họ từng thông báo đầu năm nay là tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2012, lên đến 20 tỉ đô-la Mỹ, biến Teva trở thành công ty sản xuất dược phẩm generics lớn nhất thế giới.
Shlomo Yanai, ông chủ của Teva, dự đoán công ty ông sẽ còn thực hiện những giao dịch sát nhập khác, dù hiện nay chưa lên kế hoạch. Đây chỉ là sự kiện mới nhất trong hàng loạt vụ sát nhập được tiến hành trong thời gian qua trong lĩnh vực generics.
Vị trí đặt quảng cáoNgày 23-7 vừa qua, đại công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh quốc) thông báo họ sẽ gia nhập thị trường này thông qua liên doanh với công ty Aspen (Nam Phi). Trong tháng 6, công ty Daiichi Sankyo (Nhật) đã mua lại Ranbaxy, công ty generics lớn nhất Ấn Độ, với giá 4,6 tỉ đô-la Mỹ. Còn Sanofi-Aventis, công ty dược phẩm lâu đời của Pháp, thì đang nỗ lực giành quyền kiểm soát hoàn toàn Zentiva, một công ty generics của Cộng hòa Czech mà họ đang là cổ đông thiểu số.
Trước đó, Barr và một công ty generics lớn khác của Mỹ là Mylan đã liên tục mua lại các công ty nhỏ hơn. Actavis, từ một hãng generics vô danh của Iceland, đã nuốt chửng hơn hai tá đối thủ cạnh tranh trong thập niên qua để trở thành một công ty có quy mô toàn cầu. Hiện công ty này đang nhắm mua lại Mylan.
Phó chủ tịch của Mylan là Robert Coury không xác nhận thông tin đó, nhưng lại cho rằng sự hợp nhất như vậy là điều khó tránh khỏi. Theo ông, sự sống còn đối với các công ty generics hiện nay phụ thuộc vào mức độ “quy mô, quy mô hơn, quy mô hơn nữa”.
Sát nhập để cạnh tranh
Năm ngoái, ngành công nghiệp generics đạt doanh thu 72 tỉ đô-la Mỹ, có mức độ tăng trưởng nhanh hơn cả lĩnh vực dược phẩm do chính hãng nghiên cứu và sản xuất. Tại Mỹ, generics chiếm đến 2/3 thị trường dược phẩm về số lượng, nhưng chỉ chiếm 13% về giá trị.
Công ty nghiên cứu IMS Health dự đoán đến năm 2012, tiền bản quyền sáng chế cho các loại thuốc kê toa lên đến 130 tỉ đô-la Mỹ, sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng lớn cho lĩnh vực generics. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh tự do hóa thương mại và cạnh tranh đang là một thách thức lớn đối với các công ty generics.
Tình hình cạnh tranh gay gắt đang diễn ra tại Mỹ, Anh quốc, Hà Lan, các nước Bắc Âu. Cạnh tranh cũng đang tăng lên tại những nước có chính sách bảo hộ các công ty dược phẩm nội địa trước các đối thủ nước ngoài.
Chẳng hạn, các mối quan tâm và lo ngại về chi phí chăm sóc sức khỏe tăng vọt đang thúc đẩy một sự thay đổi mạnh mẽ ở Đức, từng là một trong những nơi “khép kín” cửa đối với thị trường generics. Ủy ban Châu Âu đang khuyến khích các nước châu Âu khác làm theo cách của người Đức. Nhật cũng đang bắt đầu tiến trình tương tự.
Theo Viren Mehta, chuyên gia đang tư vấn cho công ty Daiichi Sankyo về việc mua lại Ranbaxy, hệ thống y tế nước Nhật đang chi trả cho các công ty dược phẩm nội địa khoảng 30 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm về các lọai dược phẩm không qua bảo hộ độc quyền sáng chế. Nếu không, ước tính phí bản quyền lên đến 3 tỉ đô-la Mỹ.
Sự cạnh tranh quyết liệt đã kích thích các công ty dược phẩm generics tăng quy mô hoạt động. Một phương thức thường được áp dụng là sát nhập với những công ty dược phẩm lớn, những đối thủ truyền thống của họ.
Nhiều người cho rằng, sự kết hợp những công ty dược phẩm generics rời rạc vào những công ty lớn sẽ tạo ra những công ty cồng kềnh, khó quản lý vì những khác biệt lớn về văn hóa. Tuy nhiên, theo Malvinder Singh, ông chủ của Ranbaxy, sự kết hợp giữa Daiichi Sankyo và Ranbaxy sẽ đem lại lợi ích không chỉ xuất phát từ chi phí sản xuất thấp mà còn từ cơ sở khách hàng rộng lớn hơn. Đó cũng là lý do khiến đại công ty dược phẩm Novatis (Thụy Sĩ) đang triển khai một mô hình tương tự với Sandoz.
Một phương thức khá phổ biến khác là những công ty generics sát nhập với nhau, hoặc phát triển thêm những đơn vị nghiên cứu và phát triển. Những đơn vị này thường nhắm đến việc thay đổi và cải tiến các sản phẩm hiện có hơn là sáng tạo những sản phẩm nặng ký hoàn toàn mới. Chẳng hạn, hàng năm công ty Actavis chi khoảng 150 triệu euro (236 triệu đô-la Mỹ) vào công tác nghiên cứu và phát triển trong nỗ lực tạo sự khác biệt cho những dòng sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh.
Thực ra, còn một cơ hội tăng trưởng lớn khác. Thay vì các dược phẩm được tái tạo dựa trên công nghệ hóa học, đó sẽ là các dược phẩm dựa trên công nghệ sinh học tiên tiến hơn và tốn kém hơn. Chỉ những đại công ty generics mới có đủ điều kiện đầu tư cho những sản phẩm như vậy. Những công ty mới sát nhập đang hy vọng trong vòng một thập niên tới, thị trường các dược phẩm đồng vị sinh học có quy mô lớn tương đương với toàn bộ thị trường generics hiện nay.
Vietstock

Nguồn: Internet