Thu gom, xử lý và tái chế chất thải vẫn còn là một vấn đề có nhiều bất cập ở Mỹ. Tỉ lệ lượng chất thải (bao gồm giấy, chất dẻo, thủy tinh và kim loại) được thu gom và tái chế trong tổng lượng những loại đó do người dân thải ra hãy còn ở mức thấp: ở Thành phố New York, tỉ lệ này là 18%, còn ở Thành phố San Francisco là điển hình của nước Mỹ về thành tích thu gom tái chế rác thải, tỉ lệ đó cũng mới là 69% (năm 2005). ở San Francisco, chính quyền thành phố đã đặt ra quy định thu phí rác thải cho mỗi hộ dân. Theo đó, hàng tháng mỗi hộ phải trả 23,8 USD cho một thùng rác đầy dung tích 32 galon (122 lit). Nếu người dân thải rác ít hơn thì tiền phí phải trả sẽ được giảm bớt. Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác thu gom, xử lý và tái chế rác thải, chính quyền thành phố New York sẽ trả cho họ 55 USD cho 1 tấn chất thải (chất dẻo, kim loại, thủy tinh) thu gom được. Trong khi đó chi phí để chôn lấp cũng cho 1 tấn chất thải đó lại có giá lên tới 77 USD. Để tăng thu nhập, các công ty thu gom chất thải tiếp tục phân loại các loại rác và cố gắng xử lý, bán hoặc tái chế chúng. Chất dẻo chiếm tới 13% tổng lượng các chất thải bao gồm kim loại, thủy tinh và chất dẻo của New York. Tỉ lệ này ở những thành phố khác của Mỹ cũng rất khác nhau. Theo Hội đồng Hóa học Mỹ, 99% các chai chất dẻo sau khi dùng được tái chế là các chai HDPE và PET (năm 2005).
Người ta ước tính rằng, năm 2005, ở Mỹ có khoảng 600 nghìn tấn chai nhựa PET được thu gom và tái chế; tức là chỉ bằng 23,1% tổng lượng chai PET hiện diện trên các sạp, quầy hàng. Lượng chai HDPE được tái chế là 450 nghìn tấn; bằng 27,1% tổng lượng chai HDPE được sản xuất ra. Ngoài ra hàng năm còn có 325 nghìn tấn màng chất dẻo các loại và 50 nghìn tấn chai chất dẻo PP được thu gom và tái chế.
(Theo: T/c Công nghiệp hoá chất)