Chính phủ Mỹ dự kiến thâm hụt ngân sách tài khóa 2007/08 sẽ vào khoảng 389 tỷ USD và tài khóa 2008/09 là 482 tỷ USD. Năm 2001, khi Tổng thống George W. Bush lên cầm quyền, Mỹ đã thặng dư ngân sách 128 tỷ USD. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã liên tiếp thâm hụt ngân sách lần lượt ở mức 159 tỷ USD năm 2002, 413 tỷ USD năm 2004, 318 tỷ USD năm 2005 và 161,5 tỷ USD 2007.
Khoản thâm hụt 407 tỷ USD nói trên chiếm khoảng 3% tổng thu nhập quốc dân tài khóa 2007/08 và tăng 153% so với tài khóa 2006/07. Có nhiều nguyên nhân đẩy ngân sách liên bang vào tình trạng thâm hụt lớn, nguồn thu giảm sút do kinh tế yếu đi, giá lương thực-thực phẩm leo thang, cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong 17 năm qua trong lĩnh vực địa ốc, cũng như cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn kéo dài hơn một năm qua khiến hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính, tín dụng bị phá sản.
Báo cáo của CBO cảnh báo rằng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vẫn còn, lạm phát và thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. CBO dự báo mức tăng GDP của Mỹ năm 2008 chỉ đạt 1,5%, giảm so với mức dự kiến 2,2% của chính phủ, trước khi tụt xuống 1,1% vào năm 2009. Kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,6% trong quý I/08 và 3,3% trong quý II/08. Các chuyên gia dự đoán, mức tăng GDP có thể chỉ đạt 0,7% trong hai quý còn laijc ủa năm nay.
CBO cho hay, kể từ năm 2001 tới nay, Mỹ đã chi tổng cộng 858 tỷ USD cho cuộc chiến tại Irắc, Ápganixtan và cho các hoạt động chống khủng bố. CBO dự báo trong 10 năm tới tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới 2.300 tỷ USD, trái với mức dự báo thặng dự ngân sách 300 tỷ vào năm 2018 mà CBO đưa ra hồi đầu năm 2008.
Thâm hụt cán cân ngân sách gia tăng hàng năm càng làm tăng gánh nợ quốc gia của Mỹ. Tính đến tháng 9/08, tổng nợ quốc gia của nước này đã lên tới 9.700 tỷ USD, tương đương mức nợ bình quân đầu người 31.700 USD. Nếu cộng cả các khoản nợ giữa các bộ ngành với nhau và nợ trong lĩnh vực an sinh xã hội và chăm sóc y tế thì tổng nợ của Mỹ là 59.100 tỷ USD. Kể từ năm 2003 tới nay, nợ quốc gia của Mỹ mỗi năm tăng thêm hơn 500 tỷ USD. Trong khoản nợ quốc gia gần 10.000 tỷ USD hiện nay của Mỹ có khoảng 25% là nợ nước ngoài, so với 13% năm 1988. Trong 25% nợ nước ngoài có 47% là nợ các ngân hàng của Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến tháng 4/08, các ngân hàng của Nhật Bản nắm giữ 592,2 tỷ USD trong tổng nợ 9.700 tỷ USD của Mỹ; tiếp đó là Trung Quốc với 502 tỷ USD; Anh 251,4 tỷ USD; các nước xuất khẩu dầu mỏ 153,9 tỷ USD; Braxin 149,5 tỷ USD; các nước vùng Caribê 115,4 tỷ USD; Lúcxămbua 84,8 tỷ USD; Hồng Công 63,1 tỷ USD; Nga 60,2 tỷ USD, Na Uy 45,3 tỷ USD; Đức 44 tỷ USD... chủ yếu dưới dạng tín phiếu và chứng khoán.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam