Mỹ đã nhanh chóng trở thành thị trường lớn nhất đối với hàng dệt may xuất khẩu của Campuchia sau khi hai nước ký Hiệp định thương mại năm 1996. Theo đó, Campuchia được hưởng Quy chế thương mại bình thường (NTR). Điều này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển thương mại giữa hai nước từ đó. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và quần áo may sẵn của Campuchia sang Mỹ tăng đều đặn hàng năm và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2008, nhưng có chiều hướng chậm lại.
Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia sang Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm 2007 lên 1,4 tỷ USD. Nhưng tính về giá trị, mức tăng thấp hơn nhiều do có sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ hàng dệt may của Trung Quốc và Việt Nam tại thị trường này.
Về tương lai, ngành dệt may xuất khẩu Campuchia, hiện vẫn là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất, sẽ phải đương đầu với những khó khăn và thách thức lớn, do từ năm 2009 nước này sẽ không còn được hưởng các ưu đãi thuế quan và hạn ngạch của Mỹ. Để có thể cạnh tranh với các nước khác, ngành dệt may Campuchia sẽ phải cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân và cạnh tranh về thời gian giao hàng đúng hạn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế nhận định ngành dệt may Campuchia sẽ có thể đứng vững tại thị trường Mỹ nhờ những ưu thế như nguồn nhân công rẻ và khá dồi dào trong nước, đã "xây dựng" được thương hiệu tại thị trường Mỹ sau nhiều năm hiện diện, điều kiện làm việc tại nhiều nhà máy được đánh giá là đã tốt hơn cả ở Việt Nam và Trung Quốc. Còn vấn đề cải tiến công nghệ cũng có thể thực hiện được vì phần lớn trong số hơn 300 doanh nghiệp dệt may hiện nay ở Campuchia là của chủ đầu tư nước ngoài hoặc là liên doanh với nước ngoài.

Nguồn: Vinanet