(VINANET)- Thị trường sữa Việt Nam năm 2013 vẫn tăng trưởng mạnh. Sữa nước ước đạt 670.000 tấn, tương đương 18.000 tỉ đồng và dự tính đạt hơn 1.000 tấn, tương đương 34.000 tỉ đồng vào năm 2017; sữa bột đạt 70.000 tấn, tương đương 28.000 tỉ đồng và sẽ tăng lên mức 90.000 tấn (tương đương 48.000 tỉ đồng) vào năm 2017.

Về nhập khẩu, kết thúc năm 2013, cả nước đã chi trên 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa và sản phẩm, tăng 67,44% so với năm 2012.

Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm từ 14 thị trường trên thế giới, phần lớn nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng trưởng dương về kim ngạch, số thị trường có tốc độ tăng trưởng âm chỉ chiếm 35%.

Niudilân là thị trường cung cấp sữa chủ yếu cho Việt Nam, chiếm 24,7% thị phần, đạt kim ngạch 271,5 triệu USD, tăng 22,09% so với năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, đạt 210 triệu USD, tăng 94,39%.

Đáng chú ý, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc tuy kim ngạch chỉ đạt 86,9 nghìn USD, nhưng đây là thị trường có tốc độ nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng 213,31% so với năm 2012.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm năm 2013 – ĐVT: USD

 
KNNK năm 2013
KNNK năm 2012
Tốc độ tăng trưởng (%)
Tổng KNNK
1.096.401.640
654.816.432
67,44
Niudilân
271.570.206
222.428.572
22,09
Hoa Kỳ
210.098.745
108.081.452
94,39
Hà Lan
76.381.998
44.567.879
71,38
Thái Lan
65.404.862
53.341.455
22,62
Malaisia
54.198.622
42.634.116
27,13
Đan Mạch
45.391.071
38.341.859
18,39
Đức
40.957.585
61.345.807
-33,23
Pháp
37.997.191
61.614.330
-38,33
Oxtrâylia
18.969.094
25.044.573
-24,26
Hàn Quốc
10.854.623
11.327.623
-4,18
Ba Lan
10.803.983
22.107.316
-51,13
Philippin
9.618.796
3.474.787
176,82
Tây ban Nha
7.461.828
5.481.502
36,13
Trung Quốc
86.925
27.744
213,31

Mặc dù nhiều tiềm năng, nhưng ngành chăn nuôi bò sữa hiện tồn tại không ít bất cập, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết.

Hiện nay, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam vẫn chủ yếu là quy mô nông hộ nhỏ lẻ, năng xuất thấp. Thực tế, việc chăn nuôi bò sữa đã và đang gặp khá nhiều khó khăn. Đó là bởi đây là một nghề mới, người chăn nuôi ít kinh nghiệm nên năng xuất và chất lượng sữa chưa cao.

Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi còn hạn chế, thức ăn chăn nuôi tận dụng, chưa có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ cao trên diện rộng. Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và các chất premix, vitamin… đều phải NK nên chi phí đầu vào cao, giá thành cao, dẫn tới khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

Một điều dễ thấy nữa là, các yếu tố như đất dành cho chăn nuôi bò sữa còn thiếu, không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất; thời tiết và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm không thích hợp với việc chăn nuôi bò sữa cao sản nếu không đầu tư công nghệ cao cũng là một trong những cản trở lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), hiện nay, Việt Nam có trên 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ, trong đó phía Nam là 12.626 hộ, trung bình 6,3 con/hộ; phía Bắc 7.013 hộ, trung bình 3,7 con/hộ. Có 384 hộ gia đình và công ty chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%). Trong khi đó, quy mô bình quân đàn bò sữa trong nông hộ ở Thái Lan là 17 con/hộ. Tại Indonesia quy mô đàn bình quân 3 con/hộ. Xu hướng chăn nuôi bò sữa hiện nay của ta quy mô đàn dưới 5 con đang giảm dần, quy mô từ 5-10 con trở lên đang tăng.

Trong tương lai, định hướng của ngành chăn nuôi vẫn là phát triển bò sữa tại các nông hộ là chính. Do Việt Nam thiếu không gian nên cách nuôi này vẫn chiếm ưu thế hơn là chăn nuôi trên quy mô trang trại rộng lớn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sẽ không tiếp tục duy trì quy mô nhỏ, trung bình khoảng 5,3 còn bò/hộ như hiện tại mà sẽ phát triển lên quy mô 10-15 con bò/hộ.

Bên cạnh các trang trại lớn chủ yếu do các DN lớn làm chủ, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều nông hộ tham gia chăn nuôi bò sữa hơn. Cùng với đó, ngành chăn nuôi bò sữa không chỉ phát triển ở một số địa phương có điều kiện phù hợp như Sơn La hay tại Lâm Đồng mà mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.

Các tỉnh trước đây có điều kiện ít thuận lợi đối với việc chăn nuôi bò sữa sẽ được khắc phục bằng các giải pháp công nghệ để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với nhiều biện pháp tổng hợp như trên, đến năm 2020, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu có 500 nghìn con bò sữa, cung cấp trên 1 triệu tấn sữa mỗi năm.

Đến năm 2020, dù có đạt mục tiêu đề ra thì Việt Nam cũng chỉ tự túc được khoảng hơn 40% nguyên liệu sữa, gần 60% còn lại vẫn phụ thuộc vào NK. Để khắc phục tình trạng này, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để thúc đẩy sản xuất sữa trong nước tăng lên là điều đương nhiên. Song song với đó, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành sữa, cần kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc NK sữa. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp cấp quota NK (hạn ngạch) cho các DN chế biến sữa.

Điều kiện đi kèm là DN phải đảm bảo mua một lượng sữa nhất định trong nước thì mới được phép NK lượng sữa tương ứng. Thời gian tới, Bộ NNPTNT dự định sẽ trao đổi với Bộ Công Thương về vấn đề này để tìm ra giải pháp thỏa đáng.

Ng.Hương

Nguồn: Vinanet/Hải quan online, Thanh niên

Nguồn: Vinanet