Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua 2 thập niên có tốc độ tăng trưởng cao với mức GDP đạt 11%/ năm. Sản xuất công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa và đầu tư cơ bản tăng liên tục chính là những nhân tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của nước này.

TQ đã trở thành trung tâm xuất nhập khẩu, gia công và tiêu thụ chất dẻo; đồng thời cũng trở thành nhà sản xuất các sản phẩm chất dẻo lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Thị trường polyme của TQ đã tăng trưởng hơn 10%/ năm trong thập niên qua, trong khi tốc độ tăng trưởng polyme toàn cầu là 4 - 5%. Hiện nay, các nhà sản xuất trên thế giới đang có xu hướng xây dựng các nhà máy sản xuất thuộc lĩnh vực hóa dầu và polyme ở TQ với kinh phí đầu tư rất lớn. Các công ty hóa chất đa quốc gia cỡ lớn như Dow Chemical, Dupont, Chevron Texaco (Mỹ); BASF, Bayer, (Đức); Shell (Hà Lan); Mitsubishi (Nhật Bản) và BP (Anh) đã sẵn sàng đầu tư vào TQ. Với xu thế này, ngành công nghiệp chất dẻo của TQ sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Theo một báo cáo, hiện nay mỗi năm TQ được đầu tư hơn 30 tỉ USD vào lĩnh vực hóa chất, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50 - 60% số vốn đầu tư này.

Việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới cùng với việc thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực hóa dầu và chất dẻo đã biến TQ trở thành một trung tâm sản xuất chất dẻo giá rẻ. Những lợi nhuận vốn có từ tiết kiệm chi phí trong ngành công nghiệp chất dẻo của TQ đã thúc đẩy các công ty đa quốc gia xây dựng các nhà máy sản xuất tại nước này, trong đó tập trung vào chuyển giao công nghệ và bí quyết công nghệ.

Sự thiếu hụt các nguồn dầu khí cùng với sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp chất dẻo của TQ. Mặc dù nước này đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu bằng các nguồn nguyên liệu dầu và khí tự nhiên từ các công ty liên doanh. Nhưng do cơ sở hạ tầng thấp, thiếu năng lượng và phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, ngành công nghiệp chất dẻo của nước này dễ gặp những rủi ro. Mặt khác, TQ cũng chưa tự túc được về công nghệ sản xuất, bí quyết công nghệ và năng lực quản lý. Để bổ sung những khiếm khuyết này, ngành công nghiệp chất dẻo của TQ  còn phải đầu tư nhiều.

Nhu cầu nội địa đối với sản phẩm chất dẻo công nghiệp cũng tăng mạnh, kể cả với các ngành công nghiệp chế tạo ô tô, bao bì và các sản phẩm phục vụ khách hàng. Đây cũng chính là nhân tố làm bùng nổ tăng trưởng ngành công nghiệp chất dẻo của TQ.

Với mục tiêu tăng trưởng sản xuất chất dẻo, thì nhu cầu sử dụng máy móc chất lượng cao và các nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất của TQ đang gia tăng. Hiện nay, ngành công nghiệp chất dẻo của TQ chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập khẩu các máy móc và các nguyên liệu từ Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Tập đoàn Freedonia (Mỹ) đã có kế hoạch đầu tư vào máy móc thiết bị cho ngành này với trị giá 3,77 tỉ USD trong năm 2009 và có thể sẽ tăng 4,92 tỉ USD nữa vào năm 2014. Theo đó, TQ cũng đã có những phương pháp lâu dài để có thể sản xuất được các nguyên liệu chất dẻo chất lượng cao nhằm theo kịp với một số sản phẩm được sản xuất ở châu Âu và Mỹ.

Một số công ty của TQ trước đây chuyên sản xuất các nguyên liệu chất dẻo đơn giản, nay đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm cao cấp nhờ sử dụng các công nghệ và quy trình gia công mới nhất và có hướng phát triển thành những nhà sản xuất có tầm cỡ trong lĩnh vực hóa dầu và chất dẻo trên thế giới.

(Theo: T/c Công nghiệp hoá chất)

 

Nguồn: Vinanet