Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, ngành dệt chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp và hơn 30% doanh thu xuất khẩu của nước này. Trên 60% hàng dệt may xuất khẩu của Ấn Độ có mặt tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (ba nền kinh tế này đều đang bị suy thoái).
Ông Pillai cho biết ngành dệt Ấn Độ đang gặp khó khăn nghiêm trọng do những vấn đề ngày càng trầm trọng của nền kinh tế thế giới, và chính phủ sẽ thực hiện một gói cứu trợ đối với ngành xuất khẩu gặp khó khăn này. Gói cứu trợ có thể bao gồm cắt giảm lãi suất và tăng tín dụng cho các công ty xuất khẩu, sẽ được đưa ra bàn thảo tại Ủy ban do Thủ tướng Manmohan Singh làm Chủ tịch vào tuần tới.
Theo ông Pillai, mức tăng trưởng xuất khẩu chung của Ấn Độ có thể giảm xuống 10% trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2009. Xuất khẩu của Ấn Độ tăng hơn 30% trong nửa đầu tài khóa này nhưng nhu cầu đã sụt giảm do sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FCCI) trong nghiên cứu gần đây cho rằng tốc độ tăng trưởng của ngành dệt đã giảm từ 8% năm 2005 xuống 0,8% từ tháng 4-8/08 và cảnh báo về đợt sa thải lớn trong những tháng tới.Trong khi Tổng thư ký Liên minh các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII) D.K.Nair cho rằng trong tài khóa trước kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc là 9 tỷ USD nhưng tài khóa này sẽ chỉ còn 7,5 tỷ USD do nhu cầu sụt giảm ở Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU). Mỹ và EU chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch hàng may mặc của Ấn Độ. Còn Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Chidambaram kêu gọi các công ty Ấn Độ giảm giá để đảm bảo giảm thiểu tình trạng mất việc làm.

Nguồn: Internet