Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tác động tiêu cực đến ngành dệt may Campuchia, GMAC đang hướng tới một số thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản, như là một giải pháp tình thế cho giai đoạn khó khăn này.
Phát biểu sau chuyến công du Nhật Bản mới đây, Chủ tịch GMAC, Van Sou Ieng, khẳng định các thỏa thuận đạt được nói trên là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại Campuchia-Nhật Bản. Ông Van Sou Ieng cho biết: "Chúng tôi sẽ xuất khẩu 10.000 chiếc áo jacket và 100.000 đôi giày sang Nhật Bản vào đầu năm 2009 để khởi đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại với Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng rằng Nhật Bản sẽ mua thêm nhiều hàng của Campuchia vì họ là thị trường tiêu thụ đồ may mặc lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)".
Chuyến công du của Chủ tịch GMAC cùng nhiều quan chức cấp cao Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) sang Nhật Bản là nhằm cứu vãn cho nguy cơ khủng hoảng rõ ràng của ngành công nghiệp đã mang về cho Campuchia 2,9 tỷ USD hồi năm ngoái. Ngành dệt may Campuchia đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng do cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng của nước Mỹ, thị trường tiêu thụ tới 70% lượng sản phẩm dệt may Vương quốc này.
Hiện tại, Nhật Bản nhập khẩu tới 90% lượng hàng dệt may từ Trung Quốc. Ông Chea Vuthy, Phó Tổng thư ký CDC, đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ thương mại với Nhật Bản trong bối cảnh sức tiêu thụ ở cả Mỹ và EU đều sụt giảm nghiêm trọng. Trong số các thị trường tiềm năng cho Campuchia, ông Vuthy cũng coi Nga là một mục tiêu lý tưởng.
Ngành dệt may Campuchia hiện thu hút 380.000 công nhân với 319 nhà máy và dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD trong năm 2008.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam