Mặc dù tốc độ tăng trưởng chung của ngành là rất ấn tượng, nhưng sự phát triển của từng doanh nghiệp trong ngành lại không hề dễ dàng, đặc biệt khi giá vật liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng nhanh chóng.
 
Phê duyệt chiến lược ngành dệt may
Một tin vui cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo, DOC không tìm thấy đủ bằng chứng để tiến hành điều tra bán phá giá đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam. Mới đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo chiến lược này, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho ngành dệt may tăng trưởng nhanh, ổn định và hiệu quả. Lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho phát triển của ngành, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển tối đa thị trường nội địa; tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu… Cũng theo chiến lược này, trong giai đoạn 2008 - 2010, tăng trưởng hàng năm của ngành dệt may sẽ phải đạt 16 - 18%, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trưởng sản xuất hàng năm đạt 12 - 14%. Tăng trưởng xuất khẩu hàng năm cũng đạt 20% giai đoạn 2008 - 2010 và đạt 15% giai đoạn 2011 - 2020.
 
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, chỉ tiêu  kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD năm 2008 cho toàn ngành dệt may đã được Bộ Công thương giao là chỉ tiêu rất cao trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi như hiện nay. Nhưng nếu các doanh nghiệp và các bộ, ngành cùng “đồng tâm hiệp lực” và có quyết tâm cao thì toàn ngành vẫn có thể đạt kim ngạch tới 10 tỷ USD và dự tính năm 2010, xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 25 tỷ USD.

Nguồn: Vinanet