Năm 2014, cùng với hoạt động xuất khẩu, ngành dệt may (DM) Việt Nam sẽ tập trung quy hoạch lại hệ thống phân phối thị trường nội địa, có sự phân cấp rõ ràng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu khả năng cung ứng sâu hơn cho vùng nông thôn nhằm tăng năng lực cạnh tranh của các DN tại các vùng sâu, vùng xa.

Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" đã mang lại nhiều lợi ích cho DN DM. Hiện, ngành DM đã sản xuất được hầu như tất cả các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng (NTD) không phải nhập khẩu. Thị trường nội địa đã có thay đổi lớn. Đáng mừng hơn, NTD ngày càng ưa chuộng hàng DM Việt Nam từ chất lượng đến giá thành. Trên khắp các tuyến đường của Hà Nội, số lượng những cửa hàng thời trang mang thương hiệu "Made in Vietnam" đang ngày càng nhiều. Tại các hệ thống siêu thị, lượng hàng hóa của các DN Việt Nam ngày càng áp đảo. Để có được kết quả đáng ghi nhận này, các DN trong nước đã không ngừng nỗ lực đầu tư sản xuất, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh lại thị trường "nội". Nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã phát huy hiệu quả, được người dân đón nhận, nhờ mức giá hợp lý và đặc biệt là chất lượng bảo đảm, hơn hẳn các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Trung Quốc cũng như những mặt hàng trôi nổi không nguồn gốc thường được đưa về khu vực này.

Từ nhiều năm qua, Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) đã tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh kinh doanh nội địa qua kênh phân phối Vinatexmart. Là trung tâm phân phối sản phẩm DM của hơn 300 DN trong hệ thống và nhiều DN khác ngoài hệ thống, Vinatexmart đã góp phần quan trọng trong việc đưa hàng DM Việt Nam tiếp cận sâu vào thị trường "nội". Chỉ trong vài năm trở lại đây, hệ thống Vinatexmart đã củng cố và đầu tư mở rộng lên 82 siêu thị bán lẻ với mạng lưới tại 28 tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng vào việc đưa hàng DM Việt Nam đến mọi miền của Tổ quốc. Ngoài hệ thống siêu thị Vinatexmart, các đơn vị thành viên của Tập đoàn như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, May Đức Giang, Hanosimex, Phong Phú… cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý chính thức về hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 4.000 điểm bán hàng. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, mức giá hợp lý đến NTD.

Để thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam thực sự "ăn sâu, bám rễ" vào từng người dân, các DN DM cần nghiên cứu khả năng cung ứng kỹ hơn cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do năng lực cạnh tranh của hàng DM Việt Nam tại những khu vực này còn nhiều hạn chế; việc triển khai hệ thống phân phối tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng chưa cao, các kênh phân phối nhỏ khi giao hàng thường nợ đọng vốn, nên lượng vốn lưu động cần rất lớn. Vì thế, dù đây là thị trường tiềm năng nhưng Vinatex vẫn chưa giải quyết được việc cân đối nguồn lực theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, muốn cung cấp được những sản phẩm DM phù hợp với NTD nông thôn, các nhà sản xuất cần nghiên cứu đưa ra những dòng sản phẩm thuộc phân khúc trung bình, cũng như các kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với điều kiện của nông thôn. Chẳng hạn, như sản phẩm có độ dày vừa phải, ít bám bẩn, dễ giặt và nhanh khô; hoặc như người nông thôn thường đi dép thấp, không đi dép cao, nên chiều dài của quần cũng phải ngắn lại… Hơn nữa, các DN DM cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển nguồn nguyên liệu nhằm sản xuất hàng DM chất lượng cao phục vụ người Việt Nam.

Theo Hà Nội Mới