Hội nghị đã đánh giá, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của Ngành, đề ra những giải pháp giúp ngành dệt may hoàn thành kế hoạch SX-XK năm 2008 và phát triển trong thời gian tiếp theo.
Trong thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn, mặt hàng dệt may vẫn là mặt hàng XK chủ lực, chiếm khoảng 13 – 15% tổng kim ngạch XK cả nước. Hiện nay, XK hàng dệt may Việt Nam vẫn duy trì trong nhóm 10 nước XK lớn trên thế giới. XK hàng dệt may đã có những chuyển biến tích cực về đa dạng hóa thị trường, mở thêm nhiều thị trường mới, không còn tập trung vào một hoặc một số thị trường như những năm trước đây.
Năm 2008 là năm thứ 2 Việt Nam gia nhập WTO, Ngành Dệt May không bị hạn chế về hạn ngạch XK. Trong 3 thị trường XK chính của Ngành Dệt May (chiếm khoảng 80 – 85% kim ngạch XK) là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, thị trường EU có mức tăng trưởng 23%, Hoa Kỳ tăng 18 – 19% và Nhật Bản tăng hơn 10%. Hàng dệt may Việt Nam được khách hàng NK đánh giá cao chất lượng, đảm bảo thời gian giao hàng nên trong năm 2008, số lượng đặt hàng tại Việt Nam đã tăng lên nhiều, các doanh nghiệp dệt may đã có cơ hội chọn lựa những đơn hàng giá cao, tăng giá gia công, giá XK..., góp phần giảm khó khăn cho SX của các DN. Một thuận lợi đáng chú ý là tình hình NK nguyên phụ liệu dệt may đã có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Ngành Dệt May vẫn còn rất nhiều khó khăn do tác động của những biến động không thuận lợi trên thị trường trong nước và quốc tế, như nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá nguyên liệu trên thị trường quốc tế tăng 20 – 25%, làm tăng giá thành sản phẩm trong khi giá XK tăng không đáng kể. Lãi suất ngân hàng tăng cao nên nhiều dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai được. Biến động về tỷ giá ngoại tệ gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp...
Để đạt được mục tiêu XK hàng dệt may năm 2008, Hội nghị đã tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Ngành Dệt may. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước vẫn cho duy trì ân hạn thuế NK nguyên liệu SX 275 ngày; thực hiện việc hoàn thuế VAT nhanh hơn để giảm bớt khó khăn về vốn. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, tạo dây chuyền khép kín trong hệ thống SX để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Dệt May tổ chức các đoàn khảo sát giao thương và xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, như Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha ...để mở rộng thị trường XK, tìm kiếm đối tác mới, các đơn hàng mới, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng suất lao động... Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần căn cứ vào nguồn ngoại tệ doanh nghiệp thu được để có cơ chế cho các doanh nghiệp hoạt động XK được vay đồng Việt Nam với mức lãi suất cho vay ngoại tệ; kiến nghị Chính phủ xem xét không truy thu thuế đối với vải tiết kiệm được trong quá trình SX hàng gia công XK...
Trong 6 tháng đầu năm 2008, XK hàng dệt may đạt gần 4,2 tỷ USD. Để hoàn thành kế hoạch XK 9,5 tỷ USD, 6 tháng còn lại của năm 2008, Ngành dệt may còn phải XK trên 5,3 tỷ USD, như vậy trung bình mỗi tháng phải XK khoảng 885 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2007.

Nguồn: Vinanet