Ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ đang vật lộn với đồng rupi mạnh, vốn đã tăng 12% trong năm 2007, làm giảm giá trị mỗi đồng USD quy đổi mà họ kiếm được, và nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, thị trường chủ chốt của ngành.
Chủ tịch NASSCOM Som Mittal nói: "Chúng tôi cho rằng nhu cầu về các sản phảm công nghệ và dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ vẫn còn rất mạnh". Ông dự đoán ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ có thể sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu xuất khẩu phần mềm 60 tỷ USD và tổng doanh thu phần mềm và các dịch vụ 73-75 tỷ USD vào năm 2010.
Ngày IT của Ấn Độ, với lực lượng nhân công rẻ và có kỹ năng -những nhân tố đã đưa Ấn Độ vào bản đồ kinh doanh toàn cầu- đang hy vọng sự sụt giảm của thị trường quốc tế sẽ trở thành "điều may mắn" của ngành. Giới doanh nghiệp IT Ấn Độ hy vọng sự bất ổn tài chính ở Mỹ và các thị trường khác có thể sẽ khiến các hãng chuyển nhiều công việc hơn cho các hãng rẻ hơn của Ấn Độ ngay cả khi họ cắt giảm toàn bộ ngân sách cho công nghệ.
Theo ông Mittal, sự sụt giảm vừa qua đã khiến các công ty thuê gia công nhiều hơn do sức ép chi phí. Ông nói rằng sự tăng giá nhanh của đồng rupee so với đồng USD và sức ép về việc tìm kiếm nguồn nhân lực tài năng - một cuộc chiến gay gắt giành nhân tài đã đẩy chi phí nhân công và nguồn thu của nhân viên tăng cao hơn - đã tạo sức ép về lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Mittal cho hay lĩnh vực IT của Ấn Độ, chiếm 5,5% giá trị GDP của cả nước, tăng từ mức 1,2% của 10 năm trước, đã thể hiện được khả năng liên tục trong việc tạo ra nguồn thu lớn từ dịch vụ gia công. Ông nói thêm, dân số ngày càng già hóa ở phương Tây đang làm tăng các nhu cầu mới về các dịch vụ ngoại biên, nhân tố sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu ngay cả trong tình trạng sụt giảm.
Ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ đã và đang nỗ lực đa dạng hóa các thị trường để bù đắp cho sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ, nơi vẫn được coi là đầu ra lớn nhất của lĩnh vực phần mềm Ấn Độ. Lĩnh vực phần mềm chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu ngành dịch vụ ngoại biên của Ấn Độ. Tuy nhiên, xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ sang châu Âu đã tăng 55% kể từ năm 2004. Anh chiếm 18% thị trường xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ và châu Âu lục địa (trừ Anh) chiếm 12%.
Ngành IT của Ấn Độ cũng đang lưu ý đến thị trường trong nước ngày càng phát triển bùng nổ, nhờ đà tăng trưởng kinh tế cao hiện ở mức khoảng 9%/năm. Doanh thu từ thị trường IT trong nước, bao gồm cả phần cứng, dự kiến đạt 23,2 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3/08, tăng 43% so với tài khóa trước. Doanh thu của ngành dịch vụ gia công phần mềm IT và kinh doanh chế biến (BPO) của Ấn Độ dự kiến tăng hơn 33%, lên 64 tỷ USD trong tài khóa này. Ông Mittal nói: "Chúng tôi luôn lạc quan về triển vọng của ngành BPO, bởi thị trường trong nước cũng đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp". Ngành này cũng đang coi các dịch vụ quản lý cơ sở hạ tầng từ xa là một cơ hội lớn tiếp theo, sau sự thành công của BPO.
Theo báo cáo mới công bố của NASSCOM và hãng nghiên cứu McKinsey, thông qua phương thức quản lý cơ sở hạ tầng từ xa, các công ty có thể cắt giảm từ 40-60% chi phí. Báo cáo dự tính, doanh thu tiềm năng hàng năm từ các hoạt động như thế sẽ vào khoảng 524 tỷ USD, đồng thời cho biết các công ty mới chỉ thu được 6-7 tỷ USD từ thị trường Ấn Độ có chi phí nhân công rẻ, song con số này, theo ông Vivek Pandit, Chủ tịch McKinsey, có thể tăng lên 13-15 tỷ USD vào năm 2013.

Nguồn: Internet